Cũng vài hôm trước, một cậu bé lớp 10 ở TP.HCM được gia đình chuộc về từ... Campuchia khi cậu tự đi tìm việc. Cậu đã kịp "được" bán trao tay qua mấy nơi, bị tra tấn, chích điện và rồi gia đình phải đi chuộc về với số tiền gần 200 triệu đồng.
Và, những trường hợp như thế không còn là "cá biệt", không thảng hoặc, không bất ngờ nữa, nó diễn ra gần như hàng ngày.
Và hôm qua, các báo đưa tin: Campuchia bắt hơn 1.000 người, mạnh tay triệt phá các ổ lừa đảo qua mạng. Việc này diễn ra sau khi ông thủ tướng CPC Hun Manet tuyên bố: sẽ điều chuyển hoặc sa thải các quan chức địa phương nếu không quyết tâm ngăn chặn tội phạm này.
Nhưng, theo thông tin từ các báo thì, sự việc lừa đảo có tổ chức, có ổ nhóm này không chỉ có ở Campuchia, mà còn ở cả biên giới Myanmar. Và có thời, nó còn ở ngay trong lãnh thổ Việt Nam, do người Việt, hoặc thậm chí, người nước ngoài điều hành. Công an Đà Nẵng đã từng triệt phá những ổ nhóm như thế. Chúng thuê các chung cư cao cấp và hoạt động khép kín.
Chúng thực hiện triệt để nguyên tắc: trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch. Và quả là, thi thoảng báo chí lại đưa tin có những "con ếch" rất to sập bẫy, mà cô giáo tôi ví dụ phía trên là một trong những con mồi béo như thế.
Nói trăm bó đuốc là bởi, bây giờ hầu như rất nhiều người đã biết những thủ đoạn lừa đảo như thế. Báo chí, mạng xã hội, và ngay công an cũng thường xuyên nhắn tin qua điện thoại, cảnh báo qua VNeID. Rất nhiều clip vui trên mạng quay lại cảnh nói chuyện giữa người lừa đảo và nạn nhân. Nói một hồi, nạn nhân hỏi: có ai ngồi cạnh em không, em ở Cam hay Myanmar, hôm nay bị chích điện mấy lần rồi..., và đầu kia, những cậu bé ngây thơ nói chuyện rất hồn nhiên, bảo em bị như thế như thế, thôi anh/ chị biết rồi thì em đi... lừa người khác, chúc anh/ chị mạnh khỏe, không bị lừa. Bên này nói: cố gắng tìm cách trốn về đi em, đừng đi làm thế thất đức lắm. Bảo anh/ chị ơi em không về được, vào đây là chịu rồi, hoặc nhà em nghèo lắm, không có tiền chuộc về.
Còn có hẳn cái clip bọn chúng gọi đúng... công an thật. Công an giả gọi đúng công an thật. Anh công an thật cũng khuyên, cố trốn về đi, cần gì liên hệ với anh, anh giúp cho.
Thì như cháu bé lớp 10 ở Tp.HCM đấy. Đi kiếm việc làm, cuối cùng thân bại hồn xiêu, gia đình lại phải bỏ ra hai trăm triệu chuộc về.
Trở lại chuyện Campuchia truy quét tội phạm lừa đảo, các báo cho biết, trong vòng 3 ngày, lực lượng chức năng truy quét trên cả nước, trong đó có cả thủ đô Phnom Penh, thành phố Poipet gần biên giới Thái Lan và thành phố Sihanoukville ven biển. Hơn 1.000 nghi phạm đã bị bắt giữ, hầu hết là người nước ngoài. Nhiều người được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo cho biết họ đã bị buôn bán hoặc dụ dỗ đến đó dưới những lời hứa hẹn sai sự thật. Chưa biết trong số này bao nhiêu người là người Việt Nam, nhưng chắc là không ít. Và đa phần các bạn này là nạn nhân của những đường dây buôn người, dẫn dụ người nhẹ dạ đi tìm "việc nhẹ lương cao", và họ được giao quay lại lừa đồng bào mình.
Điều đau đớn là, các nạn nhân ấy, từ ban đầu là những người già, ở vùng nông thôn, ít hiểu biết, tiến lên, bây giờ cả những người hiểu biết, có điều kiện, và đặc biệt là, ở các thành phố lớn cũng sập bẫy, bởi, những người này sập bẫy mới... ngon, mới hoành tráng, mới tiền tỉ...
Cũng chả nói trước được điều gì, tôi vài lần ngồi cà phê và nói với các bạn tôi, cũng toàn người thông thái, rằng là chúng ta ấy, cũng luôn luôn là những con mồi dự bị, thậm chí là dự bị chiến lược, và chả ai nắm tay được cả ngày. Có điều, nếu lỡ bị lừa thì cố gắng để bị... ít nhất, ở mức thấp nhất. Thì nhẹ nhất là điện thoại từ shipper đểu, bảo em mang hàng cho anh/ chị, anh/ chị chuyển cho em 15.000 đồng cước. Chuyển xong chúng bảo em xin lỗi, em đưa tài khoản của hệ thống rồi, nó là của nhân viên, nếu để đấy, mỗi tháng anh/ chị sẽ bị trừ mấy triệu, giờ anh chị vào đây khai để nhận lại. Và càng khai thì... tiền càng mất. Hẹn nhau lỡ có mất thì chỉ mất lần đầu thôi, đừng cố khai để lấy lại. Còn những là công an, điện lực, thuế... gọi thì đừng tin. Mới nhất chúng còn bày trò bắt nạn nhân tự đi thuê khách sạn để... điều tra, thế mà ối người tin.
Và đặc biệt là đừng tham, nghe chúng bảo nộp từng ấy tiền để đầu tư sẽ nhận từng ấy tiền thì đừng tham. Người phương Tây, chắc cũng từng... bị lừa, nên có câu hẹn nhau nổi tiếng: "Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong... bẫy chuột". Và nó miễn phí bằng chính cuộc đời con chuột đấy.
Nhưng quả là, chúng ta đang sống trong thời đại mà ai cũng... phập phồng sợ bị lừa. Hôm qua một anh trúng số Vietlott kể: Nghe công ty gọi điện nhưng không tin, nghĩ là bọn lừa. Nhiều người khác, cương quyết, cứ số lạ là không nghe. Thế là bỏ lỡ bao cuộc gọi quan trọng, ít nhất là từ các shipper lương thiện, họ cứ lòng vòng gọi điện để giao hàng, nhưng đầu kia, cương quyết không nghe, bởi: bọn lừa đảo đấy.
Có hồi người ta truyền nhau, cài cái phần mềm gì đấy, điện thoại lừa đảo, tức không chính chủ, nó sẽ báo ngay. Tôi cũng từng cài, và các cuộc gọi của các anh "công an", "điện lực", "thuế"... vẫn tới, có điều tôi tỉnh (chưa biết lúc nào sẽ bị ngấm thuốc mê", bảo: tớ đang ở Cam mà sao các "đồng nghiệp" vẫn gọi được.

Ảnh minh hoa.
Có cơ quan đã thống kê tới 24 kiểu lừa đảo qua mạng. Và trong 24 kiểu ấy, họ chưa kịp cập nhật kiểu mới nhất: lừa đảo nhân danh một cuộc thi văn chương. Ấy là cuộc thi "Viết chữa lành" do một công ty tổ chức, và ngay lập tức, có tới 4, 5 trang web giống trang web của ban tổ chức để lừa nạn nhân, là những người dự thi, tức có sự hiểu biết nhất định. Có nạn nhân bị lừa mất 746 triệu đồng, và ban tổ chức đã phải... đóng cửa cuộc thi.
"Tôi quá cả tin, tôi không sáng suốt, không tỉnh táo nên đã bị lừa tiền. 746.420.000 đồng là số tiền vợ chồng tôi vất vả kiếm được, cũng như tôi đã cố gắng hỏi han vay mượn thêm từ bạn bè. Cảm xúc của tôi lúc này là rất sợ hãi, lo lắng, rối bời vì niềm tin lấy lại tiền bị đổ vỡ. Tôi còn cảm thấy tội lỗi khi đối diện với chồng, với những ai mà tôi đã thuyết phục họ mượn tiền…", một nạn nhân của cuộc thi "Viết chữa lành" than thở trên một tờ báo.
* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!