Tiểu đoàn Azov ở Ukraine (ảnh: RT)
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 11/6, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – cho rằng, Mỹ đang “tìm mọi cách để gây thiệt hại cho Nga” khi dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí Mỹ cho Tiểu đoàn Azov.
“Sự thay đổi lập trường đột ngột của Washington chứng tỏ giới chức Mỹ có thể dùng bất cứ cách gì để gây áp lực lên Nga”, ông Peskov nói.
“Họ sử dụng người dân Ukraine làm công cụ. Họ thậm chí còn không ngần ngại ủng hộ những kẻ theo chủ nghĩa tân phát xít”, ông Peskov cáo buộc.
Trước đó, hôm 10/6, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, cơ quan này đã cho phép Tiểu đoàn Azov nhận viện trợ quân sự của Mỹ, vì “không có bất cứ bằng chứng nào” cho thấy nhóm này vi phạm nhân quyền.
Tiểu đoàn Azov được thành lập vào năm 2014 bởi một số chính trị gia và tài phiệt ở Ukraine. Nhóm này được cho là tập hợp những “tình nguyện viên” tôn thờ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và dân tộc cực đoan.
Năm 2015, Tiểu đoàn Azov sáp nhập vào Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine.
Năm 2018, Quốc hội Mỹ đã cấm vận chuyển vũ khí Mỹ cho Tiểu đoàn Azov. Giới chức Mỹ khi đó cho rằng, một số thành viên của nhóm này có tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Liên hợp quốc cũng từng cáo buộc Tiểu đoàn Azov vi phạm các quy định về nhân quyền.
Năm 2022, Tòa án tối cao Nga tuyên bố Tiểu đoàn Azov "là tổ chức khủng bố" và cấm nhóm này hoạt động ở Nga.
Trong xung đột Nga – Ukraine, Tiểu đoàn Azov được coi là lực lượng chiến đấu hiệu quả của Kiev. “Tên tuổi” của nhóm này gắn liền với nỗ lực phòng thủ nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol (miền Nam Ukraine).
Tháng 5/2022, lực lượng Ukraine trong nhà máy thép Azovstal đầu hàng quân đội Nga. Quân số của Tiểu đoàn Azov vì thế cũng bị suy giảm đáng kể.
Nhưng giờ đây, nhóm này sẽ được tiếp cận nguồn vũ khí viện trợ từ Mỹ, giống như bất kỳ đơn vị nào khác của Ukraine.
Với Moscow, bản chất “tân phát xít” của Tiểu đoàn Azov không hề thay đổi.
“Đây vẫn là một nhóm vũ trang theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, ông Peskov nói hôm 11/6.
Vương Nam – RT