Mỹ đối diện với thách thức khi quỹ phòng chống Covid-19 đang cạn kiệt

Mỹ đối diện với thách thức khi quỹ phòng chống Covid-19 đang cạn kiệt

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 2, 21/02/2022 21:34

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cảnh báo Mỹ đang dần cạn kiệt tiền để đối phó với các biến thể SARS-CoV-2 mới trong tương lai cũng như dự trữ vắc-xin hoặc phát triển công nghệ mới

Kế hoạch giải cứu nước Mỹ

Theo một tài liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh do Bloomberg News thu được, các quỹ ứng phó đại dịch - bao gồm xét nghiệm, phân phối vắc-xin và các vật tư y tế khác - đều đã được sử dụng hoặc có kế hoạch chi tiêu.

Đầu nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ liên bang trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mang tên Kế hoạch giải cứu nước Mỹ. Gói viện trợ này nhằm bổ sung kinh phí cần thiết để Mỹ ứng phó với đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo một quan chức chính quyền Tổng thống Biden quen thuộc với nguồn tài trợ, hiện nay, gần như tất cả các nguồn lực dành riêng cho sức khỏe từ kế hoạch cứu hộ, cũng như các dự luật khác, đã được chi tiêu hoặc phân bổ, bao gồm cả các nguồn tài trợ cho các nỗ lực ứng phó với biến thể Omicron đang diễn ra.

Một quan chức khác nói thêm rằng nếu Quốc hội không nhanh chóng cung cấp thêm tiền, Mỹ một lần nữa có thể gặp khó khăn nếu một biến thể SARS-CoV-2 mới mới bùng phát, giống như khi làn sóng Omicron hồi cuối năm 2021.

Thế giới - Mỹ đối diện với thách thức khi quỹ phòng chống Covid-19 đang cạn kiệt

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới trung tâm y tế tại New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quan chức nhấn mạnh sự đồng thuận của lưỡng đảng là rất quan trọng để đảm bảo Mỹ không cạn kiệt nguồn cung vắc-xin, xét nghiệm hoặc phương pháp điều trị. Người này nhận định chính quyền sẽ không thể chuẩn bị cho một làn sóng mới tiềm năng nếu Quốc hội không hành động.

Quan chức này chỉ ra làn sóng biến thể Omicron là ví dụ cho thấy cách một thử thách mới xuất hiên và gây áp lực: Chính quyền chuyển sang phân phối các bộ xét nghiệm miễn phí cho người dân với chi phí hàng tỷ USD khi các bộ kit xét nghiệm "cháy hàng". Họ lưu ý thêm nếu Quốc hội không cung cấp thêm nguồn vốn, Mỹ có thể đối mặt với sự thiếu hụt tương tự.

Thông qua Kế hoạch Giải cứu Mỹ, Mỹ đã đầu tư 47,8 tỷ USD cho chiến lược phân phối kit xét nghiệm; 16 tỷ USD cho việc mua sắm các biện pháp đối phó y tế như thuốc và vắc-xin, đồng thời mở rộng chuỗi cung ứng nội địa cho vật tư y tế; 8,5 tỷ USD cho các nhà cung cấp và dịch vụ y tế nông thôn; và hơn 8 tỷ USD cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Các ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ và số ca nhập viện đã giảm mạnh so với mức đỉnh điểm do làn sóng Omicron gây ra. Bà Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ, cho biết cơ quan này đang chuẩn bị hướng dẫn mới về các biện pháp nới lỏng, chẳng hạn như quy định về khẩu trang.

Xem xét gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia

Theo TTXVN, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/2 tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban hành vào tháng 3/2020 do đại dịch Covid-19 sẽ được gia hạn sau ngày 1/3 vì nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng do virus SARS-CoV-2 gây ra vẫn hiện hữu.

Tổng thống Biden cho biết số người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ hiện tăng lên hơn 900.000 người, điều này cho thấy Chính phủ liên bang cần "toàn lực" ứng phó với đại dịch. Trong bức thư gửi tới Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Mỹ ngày 18/2, được Nhà Trắng công bố, ông Biden khẳng định: "Vẫn cần duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia".

Theo quy định của Mỹ, tình trạng khẩn cấp sẽ tự động chấm dứt trừ khi 90 ngày trước khi hết hạn Tổng thống gửi thư cho Quốc hội nêu rõ cần tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp. Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch bệnh Covid-19 vào tháng 3/2020.

Tổng thống Biden đưa ra ý kiến trên khi một số lãnh đạo địa phương của Mỹ đang tiến tới chấm dứt các biện pháp hạn chế khi dịch bệnh do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra trên đà giảm. Tuần trước, lãnh đạo bang New York và Massachusetts thông báo sẽ hủy bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở 2 bang này, sau khi các bang New Jersey, California, Connecticut, Delaware và Oregon, có động thái tương tự. Đầu tuần này, giới chức y tế Mỹ cũng cho biết đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của đại dịch Covid-19 khi các ca nhiễm biến thể Omicron đang giảm.

Minh Hạnh (T/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.