Các quan chức tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ ước tính khoảng 2.000-4.000 binh sĩ Nga đã tử trận kể từ khi nước này tiến hành tấn công quân sự vào Ukraine gần 2 tuần trước.
Tuy nhiên, Tướng Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Lầu Năm Góc, cho biết thêm rằng con số ước tính có "độ tin cậy thấp", vì nó được đưa ra bằng cách sử dụng kết hợp dữ liệu nguồn mở và các nguồn thông tin tình báo.
Con số ước tính của Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với con số chưa được xác minh mà Bộ Ngoại giao Ukraine công bố trước đó hôm 8/3, nói rằng khoảng 12.000 lính Nga đã thiệt mạng.
Nga, trong lần công bố hiếm hoi về số liệu thương vong trong quân đội hôm 2/3 cho biết, 498 binh sĩ của họ đã tử trận, theo AFP. Ukraine vào thời điểm đó cho biết họ tin rằng con số này cao hơn.
Ba Lan đề nghị chuyển giao máy bay phản lực MiG cho Mỹ
Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết họ "sẵn sàng" giao các máy bay MiG-29 của mình cho Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức, và sau đó những chiếc máy bay này sẽ được chuyển cho Ukraine.
Không rõ liệu Chính quyền của Tổng thống Joe Biden có ủng hộ một kế hoạch như vậy hay không.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đánh giá thấp ý tưởng này, và nói rằng "phía Mỹ đang tích cực xem xét".
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine đã khẩn thiết đề nghị cấp cho Ukraine loại máy bay phản lực này trong cuộc họp với ông Blinken hôm 7/3.
Các phi công Ukraine có khả năng lái máy bay chiến đấu MiG do Liên Xô sản xuất.
Một số thành viên trong Quốc hội Hoa Kỳ, bao gồm cả Thượng nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa Mitch McConnell, đã thúc giục tiến hành thỏa thuận này
Ba Lan cho biết họ sẵn sàng đàm phán ngay lập tức về các điều khoản để mua máy bay phản lực F-16 mới hơn của Mỹ để thay thế cho máy bay MiG của họ.
Nga đề nghị ngừng bắn ngày 9/3 để sơ tán dân thường
Quân đội Nga cho biết họ sẽ ngừng bắn bắt đầu từ 10h sáng theo giờ địa phương (07:00 giờ UTC) ngày 9/3 để cho phép dân thường sơ tán khỏi 4 thành phố của Ukraine, theo hãng thông tấn TASS của Nga.
Một quan chức quân sự cấp cao nói với TASS rằng thông tin về các hành lang nhân đạo từ Kiev, Chernihiv, Sumy, Kharkiv và Mariupol sẽ được gửi tới Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk.
Ukraine vẫn chưa phản hồi về đề nghị này.
Những nỗ lực tương tự nhằm cho phép sơ tán dân thường an toàn khỏi vùng chiến sự chỉ thành công một phần, với những cáo buộc về pháo kích trên một số tuyến đường, tranh chấp về việc các tuyến đường dẫn đến đâu và những vấn đề phức tạp khác.
Mỹ, Anh công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ không nhập khẩu dầu của Nga nữa.
"Chúng tôi sẽ không tham gia trợ cấp cho cuộc chiến của ông Putin", ông Biden tuyên bố. Các thỏa thuận xuất nhập khẩu năng lượng mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho Điện Kremlin.
Tuyên bố của ông Biden được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu các nhà lãnh đạo phương Tây bao gồm nhập khẩu năng lượng từ Nga vào các lệnh trừng phạt.
Trước đó, Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ công bố các biện pháp để "tiếp tục buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh vô cớ và phi lý với Ukraine".
Tuyên bố của Mỹ được đưa ra ngay sau khi Anh tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu của Nga vào cuối năm 2022.
"Các doanh nghiệp cần sử dụng năm nay để đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ để người tiêu dùng không bị ảnh hưởng", Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Vương quốc Anh Kwasi Kwarteng cho biết.
"Chính phủ cũng sẽ làm việc với các công ty thông qua một nhóm công tác đặc biệt mới về dầu mỏ để hỗ trợ họ tận dụng giai đoạn này trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế", ông Kwarteng cho biết trên Twitter.
Cả Mỹ và Anh đều ít phụ thuộc vào năng lượng của Nga hơn so với các đối tác của họ trong EU.
EU lên kế hoạch nhằm thoát phụ thuộc Nga về năng lượng
Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch giảm mạnh nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2022 bằng cách tìm các nguồn cung mới, tăng khả năng lưu trữ, giảm tiêu thụ năng lượng và tăng các nguồn tái tạo.
"Vào cuối năm nay, chúng tôi có thể thay thế 100 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng các nguồn khác. Đó là 2/3 lượng khí đốt chúng tôi nhập khẩu từ họ", Frans Timmermans, Phó chủ tịch EC phụ trách chính sách khí hậu, nói với các phóng viên.
EU cho biết họ có kế hoạch hoàn toàn độc lập với dầu khí và than của Nga vào năm 2030.
"Câu trả lời cho mối quan tâm này đối với an ninh của chúng ta nằm ở năng lượng tái tạo và đa dạng hóa nguồn cung", ông Timmermans cho biết. "Điều này thật khó... nhưng khả thi".
Minh Đức (Theo DW, France24)