Người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Trump gây bạo loạn ở Điện Capitol (ảnh: Guardian)
YouGov cũng khảo sát thành viên của các đảng phái Mỹ về nguy cơ nói trên. Theo đó, có khoảng 40% thành viên đảng Dân chủ và đảng phái độc lập ở Mỹ cho rằng nước này có thể xảy ra nội chiến. Trong khi tỷ lệ này ở phe đảng Cộng hòa là 54%. Nguyên nhân chủ yếu gây ra nội chiến ở Mỹ được những người tham gia khảo sát đưa ra là tình trạng chia rẽ chính trị.
“Nhìn vào tương lai trong 10 năm tới, bạn nghĩ thế nào về khả năng Mỹ xảy ra nội chiến?” là câu hỏi YouGov đặt ra.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 65% người Mỹ được hỏi nói rằng họ cảm thấy tình trạng bạo lực chính trị gia tăng đáng kể ở Mỹ kể từ đầu năm 2021 (khoảng thời điểm Mỹ xảy ra vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc hội). 62% người Mỹ tham gia khảo sát nói tình trạng trên sẽ gia tăng trong vài năm tới.
Trước đó, hôm 28/8, thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã gây tranh cãi khi cho rằng “bạo loạn trên đường phố” sẽ xảy ra nếu cựu Tổng thống Trump bị truy tố do lưu giữ tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.
Mary McCord – cựu quan chức thuộc Bộ Tư pháp Mỹ – cho rằng, tuyên bố của ông Lindsey Graham là “cực kỳ vô trách nhiệm”.
“Vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 là kết quả của những tuyên bố tương tự mà ông Trump và những đồng minh gây ra”, ông McCord nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau những cáo buộc thiếu căn cứ về cuộc bầu cử năm 2021 của ông Trump, tình trạng chia rẽ chính trị của Mỹ ngày càng gia tăng.
Mỹ từng xảy ra nội chiến giữa các bang miền bắc và miền nam trong giai đoạn 1861 – 1865. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng này khó có thể lặp lại ở Mỹ.
“Một chính phủ mạnh như Mỹ khó có khả năng rơi vào nội chiến. Nhưng tình hình có thể sẽ khác nếu thể chế và sự đoàn kết chính trị của Mỹ suy yếu”, Rachel Kleinfeld – chuyên gia phân tích nội chiến tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế – nhận định.
Vương Nam - Guardian