Liên minh châu Âu, Mỹ, Anh và Canada đã tiến hành phong tỏa tài sản ở nước ngoài của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, sau khi châu Âu bị Tổng thống Ukraine cáo buộc đã không hành động đủ mạnh mẽ và nhanh chóng để chống lại sự gây hấn của Nga, trang the Guardian cho biết.
Động thái này phần lớn mang tính biểu tượng, vì Tổng thống Nga dường như không có tài sản cá nhân có thể xác định được ở nước ngoài, nhưng nó chứng tỏ những lời kêu gọi hành động từ Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã được lắng nghe.
Các biện pháp trừng phạt đã được phối hợp chặt chẽ. Hai giờ sau cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao EU, đại diện của Latvia, Edgars Rinkēvičs, đã đăng trên Twitter rằng EU đã chính thức “thông qua gói trừng phạt thứ 2”.
Rinkēvičs cho biết thêm: "Việc đóng băng tài sản của các cá nhân bao gồm Tổng thống Nga và Bộ trưởng Ngoại giao của nước này". Ngay sau đó, người phát ngôn của Downing Street cho biết Chính phủ Anh cũng sẽ hành động chống lại giới lãnh đạo Nga. Boris Johnson cho biết tại hội nghị thượng đỉnh khẩn của NATO diễn ra cuối ngày 25/2 rằng đó là một phản ứng cần thiết.
Khi được hỏi liệu ông Putin và ông Lavrov có tài sản ở Anh và EU hay không, Josep Borrell, người đứng đầu các vấn đề đối ngoại của khối, cho biết: “Tôi không nắm giữ bí mật về sự giàu có của ông Lavrov và ông Putin, và đó không phải là nhiệm vụ của tôi. Có người sẽ lo việc đó”.
Cuối ngày 25/2, Nhà Trắng đã công bố các biện pháp tương tự chống lại ông Putin và ông Lavrov, cho biết rằng động thái này đã được thực hiện với sự phối hợp của các đồng minh châu Âu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ các biện pháp này, nói: “Cả ngài Putin và ngài Lavrov đều không có tài khoản ở Anh hoặc bất kỳ nơi nào ở nước ngoài”.
Tuy nhiên, phát biểu trên truyền hình Nga, bà Zakharova thừa nhận: "Chúng tôi đã đạt đến điểm mà không thể quay trở lại".
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, từ chối bình luận về các biện pháp trừng phạt có thể có nhắm vào ông Putin. Ông cho biết, Nga đã chủ động giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu nước ngoài để tự bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt.
Ông nói: “Mục tiêu chính… là đảm bảo hoàn toàn tự cung tự cấp và thay thế hoàn toàn nhập khẩu nếu cần. Mục tiêu này đã đạt được ở một mức độ khá lớn. Không nghi ngờ gì nữa, sẽ có những vấn đề xảy ra, nhưng chúng sẽ không phải là không thể vượt qua”.
Ông Putin và ông Lavrov sẽ không phải đối mặt với lệnh cấm đi lại do EU và Anh muốn duy trì một cách thức ngoại giao để vượt qua cuộc khủng hoảng.
Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels đã đồng ý về nguyên tắc vào đầu ngày 25/2 về việc áp đặt loạt biện pháp thứ 2 được thiết kế để làm tê liệt nền kinh tế Nga trong trung và dài hạn, với việc nhắm mục tiêu trừng phạt thêm nhiều ngân hàng, công ty nhà nước và cá nhân của Nga, cùng với các ngành chủ chốt của nền kinh tế nước này.
Nhưng EU đã từ chối ngăn chặn Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Bộ trưởng Tài chính Đức, Christian Lindner, cho biết hôm 25/2 rằng Chính phủ Đức, vốn rất thận trọng, đã "cởi mở" trong việc loại Nga khỏi SWIFT, đồng thời cho biết thêm: "Nhưng quý vị phải biết mình đang làm gì".
Minh Đức (Theo The Guardian)