Mười ba nước thành viên của hội đồng đã bỏ phiếu thuận cho nghị quyết do Algeria soạn thảo, và Anh đã bỏ phiếu trắng. Đây là lần thứ ba Mỹ phủ quyết một nghị quyết kể từ khi cuộc chiến nổ ra tại Gaza vào ngày 7 tháng 10 năm 2023. Washington cũng đã từng sử dụng quyền phủ quyết để chặn một sửa đổi nghị quyết được soạn thảo trong tháng 12 vừa rồi.
Trước khi phiên bỏ phiếu được thực hiện, đại sứ của Algeria tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Amar Bendjama đã phát biểu trước hội đồng: “Một phiếu thuận cho nghị quyết này là một cánh tay ủng hộ cho quyền được sống của người Palestine. Ngược lại, hành vi phản đối nghị quyết này hàm ý ủng hộ cơn bạo lực tàn khốc và hành động trừng phạt tập thể mà họ phải gánh chịu”.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield trong ngày thứ Bảy vừa rồi đã đưa dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ phủ quyết nghị quyết này về lo ngại nghị quyết sẽ gây tổn hại cho các thảo luận giữa Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar với mục tiêu thương lượng cho một lệnh đình chiến và trả tự do cho con tin bị Hamas bắt giữ tại Dải Gaza.
Trước phiên bỏ phiếu của hội đồng, bà Thomas-Greenfield đã phát biểu: “Việc yêu cầu đề ra ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện mà không có thỏa thuận yêu cầu Hamas trả tự do cho con tin sẽ không mang lại nền hòa bình lâu dài. Thay vào đó, điều này có thể kéo dài cuộc chiến giữa Hamas và Israel”.
Nghị quyết do Algeria soạn thảo bị phủ quyết bởi Mỹ không liên kết kêu gọi ngừng bắn với yêu cầu giải phóng con tin. Nghị quyết này đưa ra hai yêu cầu riêng biệt về ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và về giải phóng con tin.
Đặc phái viên của Palestine tại LHQ Riyad Mansour trước hội đồng đã phát biểu: “Ngày hôm nay, thông qua quyết định phủ quyết này, Israel đã nhận được thông điệp rằng họ có thể tiếp tục tránh khỏi tội giết người”.
Đại sứ của Israel tại LHQ Gilad Erdan cho rằng từ “ngừng bắn” được sử dụng “dường như nó là viên đạn bạc, một giải pháp kỳ diệu cho mọi vấn đề của khu vực vậy”.
“Lệnh ngừng bắn chỉ giúp cho một điều duy nhất, và đó là sự tồn vong của Hamas. Một lệnh ngừng bắn sẽ là bản án tử cho nhiều người Israel và người Gaza hơn nữa”.
Tạm ngừng bắn
Theo một số văn bản mà Reuters quan sát trong ngày thứ Hai, Mỹ đã đề xuất một nghị quyết cạnh tranh, kêu gọi ngừng bắn tạm thời cho cuộc chiến Israel-Hamas và phản đối chiến dịch trên bộ của đồng minh Israel tại Rafah. Mỹ cho biết, đã có kế hoạch sẽ chờ thương lượng và không vội vã tổ chức bỏ phiếu.
Cho tới nay, Mỹ không có nhiều ác cảm với những hành động liên quan tới kêu gọi ngừng bắn trong cuộc chiến Israel-Hamas của LHQ, tuy nhiên các văn bản của Mỹ lặp lại những phát biểu của Tổng thống Joe Biden trong tuần vừa rồi ở các thảo luận giữa ông và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Nghị quyết do Mỹ soạn thảo sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an “thể hiện sự ủng hộ tạm ngừng bắn tại Gaza sớm và phù hợp nhất có thể, dựa trên điều kiện toàn bộ con tin được trả tự do, và yêu cầu gỡ bỏ mọi rào cản xung quanh cung cấp hỗ trợ nhân đạo ở quy mô lớn”.
Kể từ ngày 7 tháng 10 tới nay, đây là lần thứ hai Washington đề xuất nghị quyết về Gaza tại Hội đồng Bảo an. Nga và Trung Quốc đã phủ quyết nghị quyết đầu tiên của Mỹ trong cuối tháng 10.
Washington thường bảo vệ Israel khỏi quyết định từ LHQ. Tuy nhiên, Mỹ cũng đã hai lần bỏ phiếu trắng, cho phép hội đồng thông qua nghị quyết đẩy mạnh hàng cứu trợ tới Gaza và kêu gọi kéo dài thỏa thuận tạm ngừng chiến.
Cuộc chiến tại Gaza đã nổ ra sau khi các tay súng của Hamas, tổ chức điều hành Gaza, tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10 khiến 1.200 người thiệt mạng và 253 con tin bị bắt giữ. Để đáp trả, Israel đã tổ chức tấn công quân sự nhằm vào Gaza, và chính quyền tại đây đã báo cáo gần 29.000 người Palestine đã thiệt mạng với hàng ngàn thi thể vẫn còn được cho là đang bị kẹt dưới đống đổ nát.
Trong tháng 12, hơn ba phần tư trong số 193 nước thành viên thuộc Đại Hội đồng LHQ đã bỏ phiếu ủng hộ yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Các nghị quyết của Đại Hội đồng không mang tính ràng buộc về pháp lý nhưng mang tầm quan trọng về chính trị, phản ánh quan điểm của quốc tế về cuộc chiến này.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)