Mỹ sắp gửi thêm pháo phản lực tầm xa HIMARS tới Ukraine.
Đây sẽ là gói hỗ trợ mới nhất được công bố sau khi 4 vùng ở Ukraine công bố kết quả trưng cầu dân ý, trong đó đa số người dân ủng hộ sáp nhập vào Liên bang Nga.
Mỹ tuyên bố không công nhận kết quả trưng cầu dân ý. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Ukraine có quyền sử dụng biện pháp quân sự để giành lại các vùng lãnh thổ trên.
Gói hỗ trợ trị giá 1,1 tỉ USD được trích từ quỹ từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI). Đây là quỹ được Quốc hội Mỹ phân bổ, cho phép chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mua vũ khí trực tiếp từ các tập đoàn quốc phòng để cung cấp cho Ukraine, thay vì sử dụng vũ khí trong kho dự trữ của Mỹ.
Trong gói hỗ trợ mới, Mỹ sẽ bổ sung thêm các hệ thống pháo phản lực tầm xa HIMARS cho Ukraine cùng đạn dược, các hệ thống chống máy bay không người lái (UAV) và chống radar, cũng như các vật tư và hỗ trợ kỹ thuật cho Ukraine, quan chức Mỹ giấu tên cho biết, theo Daily Mail.
Trước đây, Mỹ thường cung cấp cho Ukraine 4 hệ thống HIMARS trong mỗi lần công bố gói hỗ trợ quân sự. Ukraine hiện đang vận hành 16 hệ thống HIMARS, trang bị đạn rocket dẫn đường tầm bắn 80km.
4 vùng ở Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập vào Nga.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang chuẩn bị một loạt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong trường hợp Moscow tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý và khẳng định Mỹ sẽ không bao giờ công nhận kết quả.
Mỹ hiện đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine với tổng trị giá hơn 15 tỉ USD.
Có một luồng ý kiến ở Mỹ chỉ trích chính sách hỗ trợ của Washington cho Kiev - quốc gia không thuộc liên minh NATO, cho rằng khoản tiền này nên được sử dụng để giải quyết các vấn đề trong nước như hỗ trợ người dân Mỹ chịu ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế và đối phó tình trạng lạm phát.
Đăng Nguyễn - Daily Mail