Lần đầu tiên các tàu chở dầu được cập cảng hoặc chất hàng tại tất cả 7 cảng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ trong bối cảnh giá cả tăng cao và căng thẳng ở châu Âu leo thang, Bloomberg đưa tin.
Tàu chở dầu Yiannis (đăng ký tại Hy Lạp) đã cập cảng tại nhà máy Calcasieu Pass của Venture Global LNG ở bang Louisiana để chuẩn bị tiếp nhận lô hàng LNG đầu tiên. Nơi đây vẫn đang trong quá trình xây dựng nhưng đã bắt đầu sản xuất LNG từ tháng trước và được Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang cho phép thực hiện giao dịch xuất hàng.
Tàu LNGships Manhattan (đăng ký tại Malta) cũng đã cập cảng tại nhà máy Elba Island LNG của Kinder Morgan ở bang Georgia. Như vậy, hoạt động xuất khẩu LNG đã diễn ra nhộn nhịp tại 6 cảng ban đầu và cả cảng mới thứ 7 của Mỹ.
Mặc dù các tàu chở dầu chỉ cập cảng và lưu lại trong vòng chưa đầy một ngày, nhưng trong ngày 12/2, Mỹ đã ghi nhận khối lượng LNG xuất khẩu kỷ lục lên tới 13,3 tỷ feet khối.
Cuộc cách mạng khí đá phiến, cùng với hàng tỷ USD đầu tư vào các cơ sở hóa lỏng, đã biến Mỹ từ một nhà nhập khẩu LNG ròng thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới trong vòng chưa đầy một thập kỷ.
Một khi cảng Calcasieu Pass LNG đi vào hoạt động đầy đủ, 7 cảng xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ có thể bàn giao tới 13,9 tỷ feet khối LNG mỗi ngày, củng cố vị trí dẫn đầu của Mỹ so với Qatar và Australia với tư cách là nhà cung cấp nhiên liệu siêu lạnh hàng đầu thế giới, số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy.
Với ngày càng nhiều dự án xuất khẩu LNG đi vào hoạt động, đến cuối năm 2022, công suất danh nghĩa của Mỹ sẽ tăng lên 11,4 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/d) và công suất cao nhất sẽ lên tới 13,9 Bcf/d, EIA cho biết hồi tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, việc duy trì thứ hạng giữa các nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới là khá mong manh. Lượng xuất khẩu LNG của Mỹ chỉ cao hơn 2 đối thủ hàng đầu là Qatar và Australia một chút, và bất kỳ vấn đề sản xuất nào cũng có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến thứ hạng.
“Qatar và Mỹ sẽ cạnh tranh để trở thành những nhà sản xuất LNG lớn nhất trên thế giới trong thập kỷ tới”, Muqsit Ashraf, giám đốc điều hành cấp cao về thực hành năng lượng toàn cầu của công ty tư vấn Accenture PLC, cho biết.
Trong số khoảng 50 tàu chở LNG từ Mỹ đang trên mặt nước, hơn 2/3 đang hướng đến châu Âu, nơi tồn kho dự trữ mùa đông đang ở mức thấp và căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã khiến giá khí đốt tự nhiên trên lục địa này tăng vọt lên hơn 6 lần so với mức giá tiêu chuẩn Henry Hub của Mỹ.
Minh Đức (Theo Bloomberg, gCaptain)