Thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin (giữa) chụp ảnh cùng các chiến binh ở thành phố Soledar.
Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/1 thông báo áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào lực lượng đánh thuê Wagner của Nga.
Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Wagner bị coi là "tổ chức tội phạm lớn xuyên quốc gia". Lệnh trừng phạt gồm đóng băng mọi tài sản của Wagner tại Mỹ, cấm người Mỹ cung cấp tài chính, hàng hóa hoặc dịch vụ cho lực lượng đánh thuê này.
Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với hàng chục tổ chức và cá nhân được cho là liên quan tới Wagner, cùng người sáng lập Yevgeny Prigozhin.
"Khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh tạo ra những khó khăn, Điện Kremlin đang tích cực tận dụng năng lực chiến đấu từ các lực lượng như Wagner để tiếp tục duy trì cuộc xung đột ở Ukraine", Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói.
Trong những ngày qua, quân đội Nga và lực lượng Wagner đã tạo thêm một số bước tiến quanh "chảo lửa" Bakhmut. Hồi đầu tháng này, lính đánh thuê Wagner là các chiến binh đầu tiên tiến vào thành phố Soledar, cách Bakhmut khoảng 19km.
Theo bà Yellen, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào lực lượng Wagner nhằm gây tổn hại cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đưa ra tuyên bố: "Lệnh trừng phạt của chúng tôi nhằm hạn chế năng lực chiến đấu nói chung của Nga ở Ukraine, gây sức ép đối với ngành quốc phòng Nga".
Trong số các công ty bị Mỹ trừng phạt vì làm ăn với tập đoàn Wagner có Spacety China - một công ty Trung Quốc bị cáo buộc cung cấp thiết bị chụp ảnh vệ tinh ở Ukraine cho Wagner và Kratol Aviation - một công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - bị cáo buộc tham gia đưa các thành viên Wagner tới khu vực chiến sự.
Ngoài việc bị trừng phạt do gửi các chiến binh tới Ukraine chiến đấu, Wagner bị Mỹ đưa vào danh sách đen do tham gia hoạt động quân sự ở Cộng hòa Trung Phi (CAR).
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby hồi tuần trước cáo buộc lực lượng Wagner "đang thực hiện những hành vi bạo lực và vi phạm nhân quyền trên diện rộng".
Thủ lĩnh Wagner, Prigozhin sau đó gửi thư tới Nhà Trắng yêu cầu giải thích lý do Mỹ cáo buộc tập đoàn đánh thuê này phạm các tội ác đến mức cần phải bị trừng phạt.
Theo ước tính của Lầu Năm Góc, lực lượng đánh thuê Wagner đã mở rộng quy mô chiến đấu với hơn 50.000 chiến binh, sở hữu xe tăng, chiến đấu cơ và trực thăng riêng, tách biệt với quân đội Nga.
Bộ Ngoại giao Nga và lực lượng đánh thuê Wagner hiện chưa đưa ra phản ứng với các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ.
Đăng Nguyễn - Newsweek