Thợ lặn Mỹ vớt mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc (ảnh: Reuters)
“Những mảnh vỡ cuối cùng đã được chuyển tới phòng thí nghiệm FBI ở bang Virginia để khai thác thông tin phản gián. Các mảnh vỡ trước đó thu hồi được trên mặt biển cũng được gửi tới đây”, Bộ Tư lệnh khu vực phía Bắc của Mỹ thông báo hôm 17/2.
“Vùng an toàn hàng hải và trên không được dỡ bỏ”, Bộ Tư lệnh Mỹ cho biết, đề cập đến khu vực tìm kiếm và vớt mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc.
Trước đó, hôm 4/2, Mỹ đã bắn hạ một khí cầu Trung Quốc ở ngoài khơi bang Nam Carolina. Hải quân và lực lượng cảnh sát biển Mỹ đã tìm kiếm mảnh vỡ khí cầu suốt 2 tuần, trước đi rời đi.
Trung Quốc đã nhiều lần phản đối việc Mỹ dùng tên lửa bắn hạ khí cầu. Bắc Kinh khẳng định đây là khí cầu dân sự bị trôi dạt và chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu thời tiết.
“Một lượng đáng kể mảnh vỡ từ khí cầu được thu hồi, bao gồm cả cấu trúc trọng tải cũng như các thiết bị điện tử, quang học. Tất cả được gửi tới phòng thí nghiệm FBI”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Mỹ – ông John Kirby – nói hôm 17/2.
Ông Kirby cho biết, bước tiếp theo, giới chức Mỹ sẽ phân tích các cấu trúc bên trong khí cầu để đánh giá khả năng hoạt động của nó.
“Chúng tôi tin rằng sẽ tìm hiểu được nhiều điều hơn nữa”, ông Kirby nói.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Mỹ cho biết, trong khi các kênh ngoại giao được duy trì sau vụ khí cầu bị bắn hạ, liên lạc quân sự Mỹ - Trung vẫn đóng.
“Thật không may, liên lạc quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đóng. Đó là điều cần thay đổi”, ông Kirby nói.
Ông Kirby cho hay, Trung Quốc đã chặn các kênh đối thoại quân sự với Mỹ kể từ tháng 8 năm ngoái, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan.
Về vụ quân đội Mỹ bắn hạ 3 vật thể lạ từ ngày 10 – 12/2, ông Kirby cho biết, nỗ lực thu thập mảnh vỡ của chúng gặp nhiều khó khăn.
“Chúng ta phải chấp nhận khả năng không thể thu thập được các mảnh vỡ”, ông Kirby nói, lưu ý rằng rất khó để xác định 3 vật thể bị bắn rơi là gì nếu không có mảnh vỡ nào được tìm thấy.
Reuters cho hay, quân đội Mỹ dùng tên lửa Sidewinder để bắn hạ 3 vật thể lạ khiến chúng bị phá hủy gần như hoàn toàn. Các mảnh vỡ rơi xuống khu vực có địa hình phức tạp và vùng nước sâu của Hồ Huron.
Vương Nam – Reuters