Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hôm 29/9 đã thảo luận về cách giải quyết tình trạng thiếu chip toàn cầu mà không dẫn đến cuộc chạy đua trợ cấp, đồng thời thúc đẩy hợp tác song phương trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Tăng cường chuỗi cung ứng cho chip là lĩnh vực trọng tâm chính mà các quan chức phụ trách thương mại của EU và Mỹ quan tâm khi đến Pittsburgh dự cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC).
TTC đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thành lập mùa hè này để tăng cường hợp tác giữa các bên trong các lĩnh vực liên quan.
Các nhà sản xuất đã cắt giảm sản lượng hàng hóa, từ ô tô đến thiết bị gia dụng, trong bối cảnh tình trạng khan hiếm chip trên toàn thế giới ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19.
Các công ty và quốc gia đang có kế hoạch chi hàng tỷ USD để mở rộng sản xuất chất bán dẫn trong vài năm tới tại thị trường nội địa, từ đó giảm phụ thuộc vào các nguồn cung hiện đang tập trung ở châu Á.
Cả Mỹ và EU đều muốn nguồn cung của họ dễ dự đoán hơn, đặc biệt là khi liên quan đến các đối tác kém tin cậy hơn, theo một nguồn thạo tin mà Bloomberg tiếp cận được.
Các quan chức EU nói với phóng viên rằng, trong cuộc họp này, nguyên tắc tránh chạy đua trợ cấp đối với ngành sản xuất chip đã được nhấn mạnh rất nhiều lần.
Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Các đạo luật về chip
Chính phủ Mỹ đang thúc đẩy sản xuất chip nội địa.
Đầu năm nay, Thượng viện đã thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Hoa Kỳ (USICA), trong đó bao gồm việc tài trợ cho Đạo luật Tạo ra các Khuyến khích Hữu ích để Sản xuất Chất bán dẫn (CHIPS) cho Hoa Kỳ, nhằm tăng cường sản xuất chất bán dẫn ngay tại thị trường Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đang thúc đẩy Quốc hội thông qua khoản tài trợ trị giá 52 tỷ USD cho cho Đạo luật CHIPS.
Tương tự, ở châu Âu, một đạo luật về chip cũng đang được xem xét. Nó sẽ mang lại một khuôn khổ cho phép tránh một cuộc chạy đua về trợ cấp cho ngành chip dẫn đến sự phân mảnh trên thị trường đơn nhất, Ủy viên Thị trường Nội bộ của EU, Thierry Breton, cho biết hôm 15/9.
Châu Âu đang cân nhắc xem họ có cần xây dựng thêm nhà máy chip hay không vì lo ngại các nguồn cung hiện tại có thể không đáng tin cậy.
Tập đoàn Intel đã thảo luận với các chính phủ châu Âu về việc liệu họ có thể nhận được hàng tỷ Euro trợ cấp để xây dựng một nhà máy tại châu lục này hay không.
Trong cuộc thảo luận được cho là trôi chảy và thực chất hôm 29/9, những người tham gia cũng đưa ra ý tưởng về việc liệu EU và Mỹ có thể hợp tác chặt chẽ hơn và bổ trợ cho nhau trong chuỗi cung ứng, một nguồn tin giấu tên cho biết.
Một ý tưởng như vậy sẽ là một thách thức do lợi ích thương mại của cả hai bên và sự nhạy cảm chính trị, đặc biệt là ở EU, nơi Pháp đang muốn khối này phải tự chủ hơn.
Để thành công, ý tưởng cũng cần có gì đó để đảm bảo chắn chắn rằng, nếu khủng hoảng xảy ra, các yếu tố đầu vào cần thiết luôn sẵn sàng.
Cùng nhau tiến về phía trước
"Chúng tôi đã đồng ý cùng nhau tiến lên để có được sự minh bạch hơn trong chuỗi cung ứng", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo nói hôm 29/9 và cho biết thêm rằng, điều này sẽ liên quan đến việc thu thập dữ liệu công nghiệp.
Theo thời gian, các đồng minh sẽ tìm cách hợp tác trong nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn, bà cho biết.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào cuối cuộc họp, EU và Mỹ cho biết họ “nhất trí về mục tiêu tránh cuộc chạy đua trợ cấp và rủi ro xảy ra hiệu ứng lấn át các khoản đầu tư tư nhân cần thiết cho an ninh và khả năng phục hồi của chính mình”.
Mặc dù không có cam kết về ý tưởng hợp tác để bổ trợ cho nhau, nhưng thực tế rằng việc vấn đề đã được đưa ra thảo luận là một diễn biến tích cực, nguồn tin giấu tên cho biết.
Tại EU, các quan chức và chính phủ đã tranh luận về việc liệu khối này có nên chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy các ngành công nghiệp của chính mình và đặt ra các điều khoản và điều kiện cho cạnh tranh hay không, hay liệu khối này có nên ủng hộ thị trường mở và sử dụng cơ chế quản lý của mình để hình thành các quy tắc và tiêu chuẩn với các quốc gia “cùng chung chí hướng”.
Cuộc tranh luận này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Electronics360)