Hiện nay, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 không quy định trường hợp viên chức được chuyển sang công chức. Tuy nhiên, tại Điều 42 Nghị định 29 năm 2012 có quy định, viên chức được xét chuyển vào công chức không qua thi tuyển nếu:
- Đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 60 tháng trở lên, không kể thời gian tập sự;
- Có trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác và đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;
- Cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng.
Đồng thời, tại khoản 11 Điều 1 Nghị định 161 năm 2018 có hướng dẫn chi tiết quy định này:
- Có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên;
- Có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không kể thời gian tập sự, thử việc; Nếu không liên tục mà chưa nhận trợ cấp một lần thì được cộng dồn.
Như vậy, mặc dù hiện nay Luật chưa đề cập đến vấn đề chuyển đổi từ viên chức sang công chức nhưng các văn bản hướng dẫn đều có quy định. Do đó, để được chuyển sang công chức, viên chức phải đáp ứng các điều kiện ở những văn bản này.
Đáng chú ý, từ 1/7/2020, khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi chính thức có hiệu lực thì những quy định về việc chuyển từ viên chức sang công chức cũng có nhiều sự thay đổi. Trong đó, với trường hợp viên chức được tuyển dụng vào công chức thì:
-Chính thức đưa quy định viên chức được tuyển dụng vào công chức vào Luật;
- Bổ sung thêm điều kiện mới: Viên chức phải không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.
Quy trình xét tuyển viên chức sang công chức
Việc viên chức được chuyển sang công chức thực hiện như trường hợp tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức nêu tại khoản 4 Điều 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 03/2019/TT-BNV.
Cụ thể, thủ tục xét chuyển viên chức thành công chức được thực hiện như sau:
Hồ sơ: Được thực hiện theo quy định về hồ sơ công chức.
Thủ tục: Phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch (khoản 11 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP).
Hội đồng này gồm có 5 hoặc 7 thành viên, gồm:
- Chủ tịch Hội đồng: Người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý công chức.
- Phó Chủ tịch Hội đồng: Người đứng đầu bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cơ quan quản lý công chức.
- Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng: Công chức của bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cơ quan quản lý công chức.
- Các ủy viên khác: Đại diện một số bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến vị trí tuyển dụng.
Trong đó, Hội đồng này có nhiệm vụ là kiểm tra các điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ của viên chức; sát hạch trình độ hiểu biết chung, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ…
Hình thức và nội dung sát hạch: Căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và được người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch.
Như vậy, việc chuyển đổi từ viên chức sang công chức theo quy định mới nhất được thực hiện như trường hợp tiếp nhận không qua thi tuyển công chức và phải trải qua việc sát hạch, kiểm tra của Hội đồng theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.
Hoàng Mai