Sáng 18/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về phát triển đô thị sau 35 năm đổi mới. Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn đang thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, cần phải 20-30 năm nữa mới đạt tỉ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, chất lượng đô thị Việt Nam chưa cao, gây lãng phí về đất đai, chưa có sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động kinh tế.
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng đô thị hiện chưa đáp ứng yêu cầu về dân số và kinh tế khu vực; chưa thích ứng biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn; ô nhiễm môi trường gia tăng; khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư còn thấp…
Trong báo cáo mở đầu hội nghị, ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cho đến trước khi ban hành Nghị quyết 06, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đô thị.
Vì vậy, để Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đường lối về đô thị hoá và phát triển đô thị nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đồng thời làm cơ sở để hoàn thiện thể chế và ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị đến năm 2030, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương thực hiện từ năm 2020, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa nội dung này vào chương trình làm việc năm 2021 phân công Ban Kinh tế Trung ương, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án.
"Trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nghị quyết có kết cầu gồm 4 phần, liên quan chặt chẽ với nhau: Tình hình và nguyên nhân; Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn; Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; Tổ chức thực hiện.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.
Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại.
Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hoá đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Từ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể được Nghị quyết 06 đề ra là: Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%.
Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.
Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 - 16% vào năm 2025, 16 - 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2 vào năm 2025, khoảng 8 - 10 m2 vào năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2.
Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Tỉ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc Trung ương đạt bình quân 25 - 30% vào năm 2025, 35 - 40% vào năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.
Nghị quyết 06 cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trọng tâm là: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị...