NATO nêu cách đối phó việc 4 vùng ở Ukraine trưng cầu dân ý sáp nhập Nga

Thứ 7, 24/09/2022 13:54

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, khối này phản đối các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga ở Ukraine và sẽ hỗ trợ Kiev giải quyết vấn đề này.

img

Xe quân sự Nga đi qua một tấm biểu kêu gọi người dân tham gia trưng cầu dân ý ở Lugansk (ảnh: Reuters)

Phát biểu hôm 23/9 về tình hình trưng cầu dân ý ở 4 khu vực Ukraine bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, ông Stoltenberg cho rằng, đây là bước leo thang đáng kể trong xung đột Nga – Ukraine.

“Câu trả lời của chúng tôi, câu trả lời của NATO về vấn đề này là tăng cường hỗ trợ Ukraine”, ông Stoltenberg nói với CNN.

“Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề và kết thúc cuộc chiến là giúp quân đội Ukraine tăng cường sức mạnh trên chiến trường. Vào một thời điểm nào đó, Kiev có thể ngồi vào bàn đàm phán với vị thế tốt nhất có thể. Họ có thể đạt được giải pháp hòa bình và bảo vệ Ukraine như một quốc gia độc lập, có chủ quyền ở châu Âu”, ông Stoltenberg nói.

“Những cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập ở Ukraine không được công nhận, không hợp pháp và không thay đổi được kết quả cuộc xung đột. Đây là bước leo thang xung đột mới của Nga”, ông Stoltenberg nhận định.

Ông Stoltenberg cho biết, các nước đồng minh NATO đã, đang và sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa về mặt quân sự cho Ukraine để đối phó với những diễn biến mới của cuộc chiến.

Phát biểu của Tổng Thư ký NATO được đưa ra trong bối cảnh 4 khu vực ở Ukraine bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga từ hôm 23/9.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga – ông Dmitry Medvedev – cho biết, Moscow có thể sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ các khu vực ở Ukraine sau khi sáp nhập.

Ông Stoltenberg cảnh báo, Nga có thể gặp “hậu quả nghiêm trọng” nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

“Họ cần biết rằng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng. Tôi sẽ không nói cụ thể NATO sẽ phản ứng thế nào. Điều này tùy thuộc vào loại vũ khí Nga có thể sử dụng ở Ukraine”, ông Stoltenberg nói.

“Hiện khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vẫn còn thấp, nhưng hậu quả tiềm tàng là rất lớn. Chúng tôi sẽ xem xét tình hình một cách nghiêm túc và cho rằng Nga không nên đưa ra những phát ngôn quá đà”, ông Stoltenberg nói thêm.

img

Chính quyền phe ly khai ở Donetsk kiểm tra các hòm đựng phiếu (ảnh: Reuters)

Cùng ngày 23/9, Tổng thống Ukraine Zelensky dành nhiều lời chỉ trích việc chính quyền thân Moscow ở Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia tổ chức trưng cầu dân ý, nhưng chưa đưa ra được biện pháp nào để ngăn cản quá trình 4 khu vực này sáp nhập Nga.

Tổng thống Mỹ Biden cho biết, Washington sẽ không bao giờ công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở 4 vùng lãnh thổ Ukraine.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng các đồng minh, đối tác để áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Nga”, ông Biden nói hôm 23/9.

Vương Nam – Reuters

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.