Tình hình dịch được kiểm soát
Chiều 18/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đất nước ta đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 4 đang từng bước được kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt đại diện những anh chị em, y, bác sĩ từng tham gia chống dịch trong suốt 2 năm qua, dù không gặp hết được những người đã tham gia chống dịch từ Bắc chí Nam trong suốt 600 ngày vừa qua.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước, Nhân dân thấu hiểu những gì đội ngũ y bác sĩ đã làm trong suốt 2 năm qua, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 diễn ra hết sức khốc liệt với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, lực lượng y tế đã đóng góp hết sức quan trọng, là lực lượng tuyến đầu chống dịch, cùng quân đội, công an và các lực lượng khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin: “Dịch bệnh tuy còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể xuất hiện các đợt dịch khác, các biến chủng khác, nhưng đợt dịch này đã tạm thời lắng xuống, được kiểm soát và chúng ta an tâm được phần nào. Vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia đã tổ chức cuộc họp, đánh giá bước đầu kết quả chống dịch và sẽ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn, toàn diện, tổng thể hơn”.
Thủ tướng cho biết, tại cuộc gặp mặt này chúng ta dành thời gian để ôn lại những ngày tháng khốc liệt và sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến mới. Công việc còn nhiều, các chính sách với lực lượng chống dịch đang tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất để hoàn chỉnh, do thời gian vừa qua, chúng ta tập trung chống dịch cho nên việc hoàn thiện chính sách còn khiếm khuyết và có phần chậm trễ. Tinh thần của gặp mặt là chia sẻ khó khăn, đoán định những khó khăn sắp tới sẽ vượt qua thế nào.
Cũng tại cuộc gặp, các cơ quan sẽ tổ chức khen thưởng, động viên một số tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong công tác phòng chống dịch. Công tác khen thưởng, động viên sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để kịp thời tôn vinh những người chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến với đại dịch để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho nhân dân.
Thách thức chưa từng có trong tiền lệ
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
“Hơn 5 tháng qua là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành. Cùng một lúc, chúng ta phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: Thần tốc chống dịch, hạn chế số lượng ca mắc, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vaccine cho người dân. Bên cạnh đó, phải tiếp tục củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo người đứng đầu ngành y tế, hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương trong hơn 5 tháng qua đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch Covid-19, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.
Có ý thức bảo vệ chính bản thân mình
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: “Chúng tôi rất mong muốn thời gian tới, với hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, các đồng chí lãnh đạo địa phương, người dân cả nước thực hiện, làm theo cùng nhau, mỗi người có ý thức bảo vệ cho chính bản thân mình, gia đình và cộng đồng, có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống trở lại bình thường”.
“Đến ngày hôm nay, những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả: chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ thêm rằng, không thể kể hết những nỗ lực phi thường mà đội ngũ thầy thuốc đã thực hiện trong đợt dịch Covid-19 lần này. “Đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường. Họ không chỉ phải vượt qua những khó khăn vì phải cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực rất lớn khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Bên cạnh đó, là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân kéo dài; làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm và căng thẳng. Nhưng những khó khăn đó đều không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc với phương châm “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”. Các thầy thuốc đều xác định “Không được phép buông tay”, vượt lên mọi gian khổ, sẵn sàng đón nhận rủi ro về phía mình, cống hiến hết mình, phát huy sáng tạo, đoàn kết hiệp lực để chiến thắng dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng ghi nhận và biểu dương những cống hiến to lớn, tinh thần xả thân và nhiệt huyết của tất cả các chiến sĩ áo trắng đã tham gia chống dịch.
Tiếp tục phát huy tinh thần chống dịch
Tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Trong số các đồng chí lực lượng tuyến đầu có mặt tại đây hôm nay, nhiều người đảm nhận hai vai - vừa là bác sĩ, vừa là nhà quản lý. Không chỉ là quân y, y tế công an, không chỉ là điều dưỡng, sinh viên, tình nguyện viên, giúp bác sĩ trong những bệnh viện còn có cả những bà sơ, có cả những người bệnh sau khi khỏi bệnh. Họ làm những việc không khác thầy thuốc, từ những việc rất cụ thể mà ai chăm sóc người nhà bị ốm cũng biết. Tất cả lực lượng y tế có sự hy sinh vô cùng cao quý, nỗ lực phi thường mà không thể tuyên dương, khen thưởng hết được. Phần thưởng lớn nhất là truyền thống của ngành y được nhân dân ghi nhận. Tôi xin cảm ơn tất cả các thầy thuốc Việt Nam, nhân đây chân thành cảm ơn các lực lượng tuyến đầu, cám ơn tất cả mọi người dân đã chung sức đồng lòng để có kết quả hôm nay là cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Cuộc chiến chống dịch vẫn chưa dừng lại, rất mong chúng ta tiếp tục tinh thần này”.
7 đề xuất
Tại cuộc gặp mặt PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương đã nêu 7 đề xuất với Thủ tướng.
Thứ nhất, xoá bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến. Hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường xã. Người nhiễm Covid-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp. Nếu số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên) có thể cách ly cả thôn hay xí nghiệp ấy. Đưa y tế vào bên trong để chăm sóc và theo dõi sức khỏe.
Các ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị. Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả các địa phương tỉ lệ tiêm chủng cao như Tp. HCM, Bình Dương, Hà Nội...
Thứ hai, tách đôi bệnh viện với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm Covid-19. Xác định bằng test nhanh sàng lọc. Người nghi nhiễm cần khẳng định bằng PCR ở vùng đệm. Nếu chắc chắn âm tính sẽ đưa vào khu điều trị thông thường. Xét nghiệm ngẫu nhiên mẫu đại diện cần làm thường xuyên cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà của họ nhằm tránh bỏ sót các ổ dịch trong bệnh viện.
Thứ ba, khu điều trị Covid-19 nên chia làm 3: Hồi sức cấp cứu, Điều trị bệnh mức độ vừa và khu hậu Covid-19. Ngay khi các ca đã có xét nghiệm âm tính cần chuyển ngay sang tầng hậu Covid-19 để chăm sóc điều trị như bệnh nhân thông thường. Khu điều trị cần đảm bảo có đầy đủ oxy hoá lỏng, trang thiết bị, thuốc, vật tư và nhân lực.
Đây là việc cần làm lâu dài không chỉ dưới hình thức tạm bợ, dã chiến. Bộ máy nhân sự cần được chính thức bổ nhiệm, chế độ lương thưởng rõ ràng. Thuốc và vật tư, trang thiết bị, chi phí điều trị cũng vậy, cần danh sách cụ thể, mua sắm, cơ chế chi trả rõ ràng tường minh để nhân viên y tế yên tâm làm việc.
Thứ tư, cần đưa y tế tư nhân vào cuộc. Cho phép bệnh viện tư thu phí dịch vụ như Tp.HCM đã triển khai. Quản lý người nhiễm theo các bác sĩ phòng mạch. Thành lập các chuyên khoa như Covid sản khoa, nhi khoa, lão khoa...để y tế tư nhân phát triển tạo thương hiệu của chính mình.
Bệnh viện Hạnh phúc đã có đề án thành lập khoa Sản Covid-19 cho các bà bầu không may bị nhiễm bệnh. Nhà nước nên hỗ trợ một phần thuốc và vật tư y tế cũng như thông thoáng về chính sách để y tế tư thực sự nắm vai trò quan trọng trong giai đoạn sau đại dịch.
Thứ năm, rà soát việc tiêm vắc-xin. Sẵn sàng có kế hoạch tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi khi được hướng dẫn. Tiêm cho các công nhân, người lao động phổ thông nếu đến sống, làm việc tại Bình Dương.
Thứ sau, tổ chức lại khu nhà ở cho công nhân và người lao động nhập cư. Nên sắp xếp cho những người làm cùng bộ phận được ở cùng nhau. Khi phát hiện ca dương tính, chính quyền hỗ trợ cho khu nhà trọ để người nhiễm có thể ở riêng biệt, cách ly. Khuyến khích tự test để phát hiện sớm, bảo đảm sức khỏe của mình và cộng đồng.
Thứ bảy, không sợ Covid-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Nếu tỉ lệ tử vong trong số người đã tiêm phòng như cúm mùa vậy sao ta phải sợ. Giảm tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ của chúng tôi.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ thêm: “Sau những ngày vừa qua, bài học lớn nhất là chúng ta phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Trước đây chúng ta chú trọng phát triển các kỹ thuật cao ở bệnh viện Trung ương, tuyến tỉnh. Tuy nhiên, trong đại dịch mới thấy hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện còn một số bất cập, cụ thể là nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men. Trong thời gian tới, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập. Các nhân viên y tế tuyến huyện không đủ điều kiện sinh sống và làm việc sẽ rất khó tập trung vào nâng cao tay nghề”.
Khi chuyển sang thích ứng, theo ông Hiếu nguyên tắc ứng xử với người nhiễm Covid-19 phải phù hợp với điều kiện thu dung, điều trị từng nơi; đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt và nguyện vọng của người nhiễm.
“Theo tôi nguyện vọng, sự hợp tác và hoàn cảnh cụ thể của từng F0 sẽ là yếu tố quyết định giúp người nhiễm bảo toàn sức khỏe của mình và tránh lây lan ra cộng đồng”, ông Hiếu cho hay.
Ông Hiếu cũng đề xuất thêm, cần sớm phân loại người nhiễm có triệu chứng nhẹ, không có triệu chứng hoặc đã tiêm vắc-xin và ưu tiên cho họ cách ly, điều trị tại nhà. F0 triệu chứng nặng mới cần đưa vào bệnh viện. Bởi, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và ngay tại Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... khi đã tiêm vắc-xin, tỉ lệ F0 chuyển nặng và tử vong sẽ ít hơn nhiều so với người không tiêm vắc-xin.
“Thay đổi cách khoanh vùng cách ly chính là chìa khoá thay đổi cách phòng, chống dịch. Theo tôi, cách ly khoanh vùng nhỏ nhất là chiến lược hoàn toàn đúng đắn của Chính phủ”, ông Hiếu nói.
Nhân dịp này, 138 thầy thuốc tiêu biểu xuất sắc của ngành Y tế, Quân đội và Công an trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đợt dịch lần thứ 4 đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Người bệnh như người thân
“Mỗi nhân viên y tế đều vì bệnh nhân, xác định người bệnh như những người thân của mình, với mục tiêu là cứu sống được nhiều bệnh nhân nhất có thể. Áp lực, vất vả là thế nhưng chúng tôi chưa từng nghe lời than khổ từ đội ngũ y, bác sĩ. Ở đây, chỉ thấy sức chiến đấu bền bỉ để cố duy trì từng hơi thở của bệnh nhân”, BSCKII. Lý Thế Huy, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, kiêm nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
Thanh Lam