Làng Lại Đà nằm ở trung tâm của xã Đông Hội, phía Nam huyện Đông Anh, Hà Nội - là một làng cổ, đông dân của xã. Thời nhà Lý, làng thuộc phủ Bình Lỗ; thời Trần thuộc Bắc Giang, huyện Đông Ngàn; sang thời Lê, sau năm 1469 thuộc trấn Kinh Bắc, phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn; thời Nguyễn, từ năm 1831 thuộc tỉnh Bắc Ninh, phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn, tổng Hội Phụ.
Từ năm 1961 đến nay, Lại Đà thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Lại Đà nằm trong vùng đất lịch sử nổi tiếng, cách kinh đô Cổ Loa khoảng 3km, hiện cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km.
Toàn cảnh nhà thờ họ Nguyễn Phú, làng Lại Đà.
Theo lưu truyền dân gian, làng được hình thành khoảng trên 800 năm nay. Khởi đầu, một số gia đình từ các nơi về dựng lều trại trên khu đất lầy lội ở ven sông, vừa làm nghề chài lưới dưới sông, vừa trồng hoa màu trên các doi đất cao. Về sau dân làng chuyển dần lên khu đất cao, dài cách đó không xa, chính là làng Lại Đà ngày nay.
4 dòng họ lớn có công khai lập làng là: Vương, Lương, Ngô, Nguyễn. Ngày nay, sau nhiều biến thiên của lịch sử, cùng với sự phát triển của đất nước, Lại Đà đã khoác lên mình diện mạo phát triển mới, ngày càng đàng hoàng hơn.
Dòng họ Nguyễn Phú là dòng họ có dân số lớn nhất ở làng Lại Đà, cũng là dòng họ đã sinh ra người con xuất sắc của quê hương đất nước – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngôi nhà thờ dòng họ Nguyễn Phú nằm khép mình trong con ngõ nhỏ thuộc xóm 3, trên khuôn viên rộng hơn 220m2, thế đất đẹp do tổ tiên truyền lại. Nhà thờ khởi đầu xây dựng năm Ất Sửu, đời vua Tự Đức thứ 18 (1865) kiến trúc theo kiểu chữ "Nhị".
Nhà thờ gồm 3 gian nhà gỗ lợp ngói đơn sơ, giản dị như bất kỳ một ngôi từ đường nào khác trên đất Bắc. Nếu không được giới thiệu, người ta khó lòng nhận ra đây chính là nhà thờ của dòng họ người đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Theo giới thiệu của ông Nguyễn Phú Việt – Trưởng tộc Nguyễn Phú làng Lại Đà (cháu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chú), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hậu duệ đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Phú làng Lại Đà, ông là con út trong một gia đình thuần nông có 5 anh em.
Dù nắm giữ các chức vụ cao của Đảng, Nhà nước, công việc bồn bề, nhưng khi sức khỏe còn bảo đảm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường dành thời gian về thăm quê, thăm hỏi họ hàng, bà con hàng xóm, nhân dân quê hương vào mỗi dịp lễ tết, giỗ họ.
Mỗi lần về thăm quê, ông vẫn giữ sự giản dị, thân tình, gần gũi, giường như không có khoảng cách giữa ông với anh em họ tộc, bà con lối xóm.
"Ở bác Nguyễn Phú Trọng, bà con dân làng, anh em họ tộc đều cảm nhận được sự gần gũi, thân thương, hòa đồng với quần chúng. Mỗi lần về quê, bác đều thăm hỏi, kính trọng với những người cao tuổi trong dòng tộc và dân làng, quan tâm đến các cháu thanh niên và thiếu niên nhi đồng. Ông thường động viên bà con trong gia đình luôn luôn có tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Chúng tôi hết sức tự hào vì trong dòng tộc có một người con xuất sắc như bác. Trong mỗi lần họp họ, lễ tổ, chúng tôi vẫn thường trao đổi và tiếp thu những lời căn dặn và mong muốn của bác nhằm phát huy truyền thống dòng họ, noi gương bác, đóng góp cho sự phát triển của quê hương", ông Việt tâm sự với Người Đưa Tin.
Ngầm ngùi xúc động, ông Nguyễn Phú Việt cho biết ngay khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, trở về với tiền nhân, bà con trong dòng họ đều cảm thấy hụt hẫng, buồn thương.
"Từ khi biết tin đến nay, mỗi lần nhắc đến tên bác, tôi đều rất xúc động, dẫu biết đó là quy luật của tạo hóa, nhưng nỗi đau không thể kiềm lại. Chúng tôi thương tiếc một người thân trong dòng tộc và thương tiếc một nhà lãnh đạo có tâm, có đức", ông Việt nói.
Dâng một nén hương thơm, trong khoảnh khắc nghẹn ngào xúc động, Trưởng tộc Nguyễn Phú kính cáo với tổ tiên về sự trở về của một người con trong dòng họ. Trong niềm xúc động đó, có cả sự tự hào, kính phục về một con người kiệt xuất, hết lòng phụng sự cho Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân.
Mạnh Quốc - Hữu Thắng