Trong phần tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sáng 11/11, nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Trả lời trước nghị trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường mà việc dạy thêm đáp ứng các nhu cầu đó thì không thể cấm được.
Còn dạy thêm, học thêm mà giáo viên trực tiếp dạy cho học sinh, nhưng lại bớt nội dung chính thức mới là điều lưu ý.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng thông tin thêm, năm 2016 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bỏ dạy thêm ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT đang đề nghị bổ sung việc dạy thêm vào danh mục này.
Cần có cái nhìn đa chiều về dạy thêm, học thêm
Trao đổi với Người Đưa tin, TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng chúng ta nên suy nghĩ về việc học thêm, dạy thêm theo hướng đơn giản, không nên chỉ theo thái cực này hay thái cực khác.
Theo ông, việc tổ chức dạy thêm ngay tại trường học, do chính thầy cô giáo học trên lớp dạy thì vẫn không được phép. Nhà trường cũng không nên đứng ra tổ chức các buổi học thêm ngay tại trường.
“Tuy nhiên, nếu dạy thêm có đăng ký rõ ràng và đóng thuế như những ngành nghề khác thì hoàn toàn có thể. Các thầy cô có thể tham gia hoạt động dạy thêm ở các trung tâm khác nhau hoặc tự tổ chức dạy thêm độc lập.
Việc này sẽ tránh tình trạng nhiều người băn khoăn rằng các thầy cô dạy bớt kiến thức để học sinh phải đi học thêm, hay đi học thêm vì thầy cô giáo chứ không phải vì kiến thức”, ông Khuyến bày tỏ.
Như vậy sẽ tạo điều kiện cho các giáo viên có thêm thu nhập, nhất là đối với những giáo viên có trình độ.
Ngược lại, ở phía người học cũng không phải không có nhu cầu, nhiều em muốn học thêm kiến thức nâng cao, gia đình không có thời gian dạy ở nhà, và học sinh vẫn đủ sức khỏe, thời gian để đi học thêm thì cũng không thể ngăn cấm.
TS Lê Viết Khuyến đánh giá rằng: “Nhà giáo và người có khả năng dạy học là hoàn toàn khác nhau. Nếu thầy cô giáo không đủ năng lực có tổ chức dạy thêm học sinh chỉ học 1-2 buổi là sẽ bỏ ngay, không có yếu tố ép buộc ở đây”.
Bỏ tư tưởng dạy thêm để tăng thu nhập
Cũng trong phần tranh luận tại Quốc hội sáng 11/11, ĐBQH Nguyễn Công Long đã đưa ra thực trạng dạy thêm là xuất phát từ thu nhập quá thấp, rất nhiều người coi dạy thêm là để mưu sinh. Và qua 2 năm đại dịch vừa rồi, giáo viên cũng là đối tượng cần cứu trợ.
Người Đưa tin cũng có những trao đổi với thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên luyện thi môn Hóa tại một trung tâm ở Tp.Hà Nội về vấn đề này, thầy cho biết: “Chúng ta cần làm rõ các loại hình dạy thêm, học thêm tránh đánh đồng với nhau.
Loại hình dạy thêm của các thầy cô giáo trong nhà trường tổ chức dạy cho chính học sinh của mình thì cần phải hạn chế, thậm chí là cấm”.
Theo quan điểm của thầy, đến khi điều kiện chín muồi thì có thể xem xét, vì hiện nay mức lương giáo viên vẫn còn thấp, và còn cào bằng giữa thành phố và nông thôn. Nếu mức lương được cải thiện, không có tình trạng coi dạy ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập thì sẽ hạn chế những tiêu cực.
“Chúng ta không thể nào lấy việc dạy thêm, học thêm để làm phương án tăng thu nhập cho giáo viên. Nếu lương của các thầy cô mà còn thấp thì rất khó để thu hút sinh viên giỏi theo ngành sư phạm, ngược lại nhiều em đi học vẫn có tư tưởng là làm giáo viên “trông” vào tiền dạy thêm là chính”, thầy Ngọc chia sẻ.
Loại hình dạy thêm thứ hai theo thầy Ngọc đó là việc dạy học của các giáo viên tự do hoặc thầy cô giáo hợp tác với các trung tâm giáo dục.
Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng “Việc dạy học như vậy là chính đáng và xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh muốn cải thiện năng lực.
Những trung tâm tiếng Anh, luyện thi Ielts, SAT,...cũng là một hình thức dạy thêm, học thêm nhưng hiện nay lại không lên án học tại các trung tâm này dù giá thành rất đắt đỏ và không có sự quản lý chặt chẽ”.
Học thêm ngoại ngữ, toán, văn, lý hay thậm chí là các môn năng khiếu như võ thuật, mỹ thuật, âm nhạc là như nhau. Nhưng dư luận hiện nay cái nhìn “thiện cảm” với đi học tiếng Anh ở trung tâm hơn là đi học thêm các môn học khác.
Đối với loại hình học thêm thứ hai này, rất cần sự quản lý của Nhà nước. Lý do là bởi theo thầy Ngọc thực trạng hiện nay rất nhiều người chỉ có một chút kiến thức, không có bằng cấp hay kỹ năng sư phạm nhưng lại được đứng trên bục giảng và gọi là “thầy”.
Việc phụ huynh, học sinh mất tiền oan cho những trung tâm như vậy không phải là hiếm, nhất là đối với môn ngoại ngữ, hoặc những loại hình giảng dạy mới, dưới những tên gọi mỹ miều như phát triển kỹ năng của trẻ, gợi dậy khả năng sáng tạo, tính nhẩm nhanh,...
Ngoài quản lý về chuyên môn, cũng cần phải quản lý về học phí, điều kiện cơ sở vật chất, số lượng học sinh mỗi lớp, nộp thế,...
“Tôi nghĩ nên tách bạch giữa việc đi học theo nhu cầu, và việc dùng dạy thêm làm công cụ kiếm thêm thu nhập, hay là dùng quyền lực về điểm số để bắt buộc học sinh đi học”, thầy bày tỏ.
Từ đây có thể thấy, dạy học thêm vẫn là câu chuyện cũ nhưng cần có cách nhìn mới. Ngoài mối quan hệ thầy trò, xét theo góc độ kinh tế thì đây như mối liên hệ cung-cầu giữa người có kiến thức và người cần kiến thức.
Và nếu đi theo hệ quy chiếu này thì có lẽ sẽ phải có những điều kiện đi kèm về chất lượng, sự cạnh tranh, có quyền chọn lựa người dạy. Những ai không có chuyên môn sẽ bị thị trường đào thải, và tránh được câu chuyện đi học vì cái uy của người thầy.