Theo báo Lao Động, bộ Giáo dục và Đào tạo (bộ GD&ĐT) đã khẳng định sẽ không lùi thời gian thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Kỳ thi năm nay sẽ diễn ra trong 2 ngày 7-8.7. Tuy nhiên trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, kỳ thi năm nay có thể chia thành nhiều đợt để tạo điều kiện cho các thí sinh tham dự.
Thông tin trên được Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh đưa ra trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây.
Theo đó, ông Trinh khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây sẽ là một hoạt động rất là quan trọng. Kế thừa kinh nghiệm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và bám sát tình hình thực tế, bộ GD&ĐT xây dựng một số phương án để thích ứng với diễn biến của dịch trên tinh thần bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
An toàn phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, cũng như an toàn cho tất cả các khâu của kỳ thi. Kỳ thi dù tổ chức trong hoàn cảnh nào thì vẫn phải nghiêm túc để đảm bảo chất lượng, khách quan, lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương và là cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
“Trong điều kiện COVID-19 như hiện nay chúng ta tổ chức kỳ thi này với những điều kiện đồng bộ với phòng, chống dịch COVID-19. Thứ nhất, các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức kỳ thi này trong bối cảnh của dịch COVID-19 để đảm bảo không bị động; Thứ hai, công việc rất quan trọng là thực hiện rà soát, phân loại các nhóm học sinh lớp 12 dự thi năm nay thành các nhóm F0-F1-F2 để có các phương thức tổ chức thi phù hợp”, ông Mai Văn Trinh thông tin với VTC News.
Cụ thể, các em học sinh diện F0 không tham gia được kỳ thi thì sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy định. Đối với thí sinh F1-F2 thì sẽ tổ chức theo mô hình đã từng thực hiện thành công ở năm 2020 theo các định hướng như sau:
Các địa phương sẽ thành lập các điểm thi riêng dành cho các thí sinh diện F1. Các điểm thi này có thể nằm trong khu cách ly hoặc ngoài khu cách ly. Các điểm thi này phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp khử khuẩn. Đặc biệt, các cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi đối với đối tượng F1 thì mặc quần áo bảo hộ để chống lây nhiễm chéo.
Đối với thí sinh diện F2 thì bố trí thi ở những phòng thi riêng ở các điểm thi và thực hiện đồng loạt các giải pháp phòng chống dịch như đã kể trên.
Đáng chú ý, bộ GD&ĐT tính đến phương án tổ chức nhiều hơn một đợt thi. Theo đó, trong trường hợp cần thiết, bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm đợt thi.
“Khả năng phải tổ chức nhiều hơn một đợt thi Bộ GD-ĐT cũng đã tính toán từ khá lâu. Chúng tôi cũng có kịch bản cho phương án này. Trên quan điểm dù tổ chức một đợt thi hay nhiều hơn một đợt thi thì quan trọng nhất vẫn là phải bảo đảm an toàn và nghiêm túc.
Trong trường hợp như thế này thì sự công bằng giữa thí sinh và các đợt thi là sự chú ý cao. Điều đó thể hiện là chúng ta xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu cho các đợt thi khác nhau. Bộ GD-ĐT đã có tính toán và trên cơ sở khoa học, công trình khoa học của xây dựng đề thi chúng tôi sẽ xây dựng được đề thi phục vụ cho các đợt thi khác nhau nhưng vẫn đảm bảo sự tương đồng về độ khó để không làm ảnh hưởng đến thí sinh dự thi các kỳ thi khác nhau. Và đặc biệt các kỳ thi như vậy vẫn tổ chức trong khuôn khổ cùng một quy chế, với cùng một cấu hình như nhau để đảm bảo sự nghiêm túc”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Liên quan đến việc tổ chức kỳ thi an toàn trong điều kiện dịch bệnh, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã đưa ra 7 lưu ý:
-Thứ nhất, bộ GD&ĐT sẽ cùng các địa phương phải có tinh thần quyết tâm tổ chức kỳ thi theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Trừ trường hợp dịch quá phức tạp mới tính đến phương lùi kỳ thi hoặc các địa phương sẽ có những đề xuất cụ thể để Bộ xem xét.
-Thứ hai, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là một công việc rất quan trọng trong năm học với ngành Giáo dục, đòi hỏi sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Ban Chỉ đạo thi quốc gia đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân rõ người, rõ việc, rõ quy trình, sản phẩm thời gian. Thứ trưởng đề nghị các địa phương phải xây dựng được kế hoạch tổng thể về chỉ đạo tổ chức thi.
-Thứ ba, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải rà soát, kiểm soát số lượng thí sinh F0, F1, F2; bố trí điểm thi dự phòng, mỗi điểm thi bố trí phòng thi dự phòng cho đối tượng nghi nhiễm. Việc này cần thực hiện sớm để xây dựng phương án hợp lý. Thứ trưởng mong mỏi có chế độ vaccine riêng cho thí sinh và cán bộ tham gia kỳ thi. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa thể có, các địa phương phải nghiêm túc thực hiện 5K theo khuyến cáo của bộ Y tế.
-Thứ tư, theo Thứ trưởng, một trong những việc quan trọng là chọn đúng người, giao đúng việc; chọn người có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm để tham gia vào kỳ thi.
-Thứ năm, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc công tác tập huấn nghiệp vụ thi; nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi. Bộ GD&ĐT đã xây dựng các hướng dẫn cụ thể, cầm tay chỉ việc từng cách làm; những tài liệu này được gửi đến từng trường, từng cán bộ giáo viên tham gia làm thi. Sau tập huấn cần có kiểm tra, đánh giá kết quả.
-Thứ sáu, cần chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác cho tổ chức kỳ thi.
-Thứ bảy, tại mỗi địa phương, công tác phối hợp với các ngành phải xuyên suốt để bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Từ đó, kịp thời xử lý tình huống có thể xảy ra liên quan đến sức khỏe cán bộ, thí sinh hay an ninh trật tự, giao thông trong những ngày thi.
Minh Hoa (t/h theo VTC News, Lao Động)