Tổng thống Pháp – ông Emmanuel Macron (ảnh: Reuters)
“Không bao giờ được quên điều này: Nước Pháp không bắt đầu từ ông Macron, và thi hài của Napoleon còn đang yên nghỉ ở trung tâm thủ đô Paris. Cả Pháp và Nga đều hiểu vấn đề”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova hôm 19/2 bình luận về những phát biểu mới của ông Macron.
Trước đó, hôm 18/2, trả lời phỏng vấn của tờ Le Journal du Dimanche (Pháp), Macron cho biết, ông muốn thấy quân đội Nga bị đánh bại ở Ukraine.
“Tôi muốn thấy Nga bại trận. Tôi muốn Ukraine có thể tự bảo vệ mình. Nhưng tôi tin rằng, cuộc chiến này sẽ không kết thúc bằng giải pháp quân sự”, ông Macron nói.
“Một số người cho rằng, Nga phải bị đè bẹp và bị tấn công trên chính mảnh đất của họ. Tôi không tin điều đó. Đó chưa bao giờ là quan điểm của Pháp và sẽ không bao giờ là như vậy”, ông Macron nói.
Theo ông Macron, phương Tây cần tăng cường viện trợ cho Kiev để buộc Nga quay lại bàn đàm phán sau khi chịu thiệt hại.
“Chúng ta cần Ukraine tiến hành một cuộc phản công quân sự nhằm xuyên thủng phòng tuyến của Nga. Chúng ta cần buộc Moscow quay lại các cuộc đàm phán”, ông Macron nói.
Phát biểu tại Hội nghị Munich hôm 17/2, ông Macron cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viện trợ vũ khí cho Ukraine và lưu ý rằng, Pháp phản đối ý tưởng “thay đổi chế độ” ở Nga, theo RT.
Ông Macron cho rằng, điều đó không giúp ích gì cho hòa bình ở Ukraine mà chỉ khiến xung đột thêm tồi tệ.
Napoleon dẫn quân vào Moscow (ảnh: History)
Trả lời báo giới hôm 19/2 tại Moscow, bà Zakharova nhận xét các phát biểu của ông Macron là “khôi hài”.
Theo bà Zakharova, ông Macron từng nhiều lần đề nghị gặp trực tiếp Tổng thống Nga Putin để thảo luận về tình hình Ukraine. Trong khi đó, phương Tây dường như lại bí mật thảo luận về ý tưởng thay đổi ở Moscow.
Không phải ngẫu nhiên mà bà Zakharova nhắc đến hoàng đế Pháp Napoleon (1769 – 1821) trong bài phát biểu mới, theo Reuters.
Cách đây khoảng 210 năm, vào ngày 15/9/1812, một đạo quân Pháp do Napoleon chỉ huy đã tiến vào Moscow trong một cuộc chiến tranh xâm lược. Tuy nhiên chỉ 3 tháng sau, quân đội Nga đã tổ chức phản công. Napoleon phải rút quân khỏi Moscow và tổn thất hơn 300.000 lính.
Thất bại ở Nga khiến Pháp từ một cường quốc quân sự mạnh bậc nhất châu Âu trở nên yếu thế. Nhân cơ hội này, liên quân Áo, Phổ, Thụy Điển, Nga, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tấn công Pháp, uy hiếp Paris.
Trước sự phản đối của dân chúng, Napoleon buộc phải thoái vị và bị đày đến đảo Elba (Địa Trung Hải).
Điều trùng hợp là năm 2017, sau khi ông Macron đắc cử Tổng thống Pháp, Foreign Policy – tạp chí nổi tiếng của Mỹ – cũng ví ông là “Napoleon thứ hai”.
Vương Nam – RT, Reuters