Nga cảnh báo rằng quyết định gia nhập liên minh quân sự NATO của Phần Lan và Thụy Điển là sai lầm nghiêm trọng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố, Phần Lan và Thụy Điển không nên ảo tưởng rằng Nga sẽ chỉ đơn giản là chịu đựng việc họ gia nhập NATO.
“Đây là một sai lầm nghiêm trọng khác với hậu quả sâu rộng”, ông Ryabkov được các hãng thông tấn Nga dẫn lời cho biết. “Chúng tôi thấy rõ rằng thực tế là an ninh của Thụy Điển và Phần Lan sẽ không được tăng cường nhờ quyết định này”.
“Mức độ căng thẳng quân sự nói chung sẽ tăng lên, khả năng đoán định trong lĩnh vực này sẽ giảm xuống”, nhà ngoại giao Nga nói.
Nga đã cảnh báo Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.300 km, rằng Moscow sẽ thực hiện "các bước tương xứng".
Hôm 14/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về ý định gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu.
Điện Kremlin cho biết, ông Putin coi việc Phần Lan chấm dứt sự trung lập về quân sự là một "sai lầm".
Trong khi đó, Thụy Điển sẽ cử các nhà ngoại giao tới Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách vượt qua sự phản đối của quốc gia thành viên NATO này, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist cho biết.
Các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển hôm 15/5 đã từ bỏ 73 năm phản đối gia nhập NATO và đang hy vọng Thụy Điển có thể gia nhập liên minh một cách nhanh chóng. Động thái này đánh dấu sự chấm dứt hàng thập kỷ không liên kết quân sự của quốc gia Bắc Âu.
Phần Lan hôm 15/5 cũng đã xác nhận sẽ nộp đơn gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.
Cả 2 quốc gia đưa ra quyết định trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn đang tiếp diễn mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Vấn đề với Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ đã gây bất ngờ cho các đồng minh NATO khi phản đối sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, với lý do các nước Scandinavia ủng hộ “các tổ chức khủng bố” như Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và lực lượng dân quân người Kurd YPG ở Syria.
Bộ trưởng Hultqvis nói với đài truyền hình dịch vụ công Thụy Điển SVT: “Thụy Điển sẽ cử một nhóm các nhà ngoại giao đến tổ chức các cuộc thảo luận và đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề”.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ muốn các nước Bắc Âu ngừng hỗ trợ cho các nhóm chiến binh người Kurd hiện diện trên lãnh thổ của họ, và dỡ bỏ lệnh cấm bán một số vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
NATO và Mỹ cho biết, họ tin tưởng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chặn tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển.
Bất kỳ quyết định nào về việc mở rộng NATO đều cần có sự chấp thuận của tất cả 30 thành viên của liên minh và Quốc hội của họ. Nhưng các nhà ngoại giao cho biết, ông Erdogan sẽ phải chịu áp lực nhượng bộ vì Phần Lan và Thụy Điển sẽ củng cố đáng kể sức mạnh của NATO ở Biển Baltic.
"Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có thể giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ để không làm trì hoãn tư cách thành viên của 2 quốc gia Bắc Âu", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết.
Quốc hội Thụy Điển sẽ tổ chức một cuộc tranh luận về đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển vào cuối ngày 16/5, nhưng động thái này chỉ mang tính hình thức vì đa số đã bày tỏ ủng hộ.
Chính phủ Thụy Điển sẽ đưa ra quyết định chính thức nộp đơn vào cuối ngày hôm nay (1/5), ông Hultqvist cho biết.
Minh Đức (Theo RTE)