Chiến đấu cơ Nga đã đến Syria để "giám sát" tàu Anh, HMS Queen Elizabeth khi tàu Anh triển khai các hoạt động tuần tra ngoài khơi ở bờ biển của quốc gia Trung Đông này.
Điều này diễn ra sau khi Moscow tuyên bố đã bắn cảnh cáo và thả bom gần tàu HMS ở vùng biển ngoài khơi Crimea. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh cho biết không có phát súng nào được bắn hay quả bom nào được thả.
Ba máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 của Nga mang tên lửa Kh-22 có biệt danh là "sát thủ hàng không mẫu hạm", có khả năng hạ gục các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ.
Hai máy bay chiến đấu Nga, MiG-31K được trang bị tên lửa chống hạm Kinzhal cũng đã đến căn cứ không quân Khmeimim của Syria hôm thứ Sáu.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận lực lượng này sẽ "giám sát" HMS Queen Elizabeth và các tàu liên quan, The Sunday Times đưa tin.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh (MoD) cũng đã triển khai máy bay radar tầm xa để bảo vệ tàu sân bay 60.000 tấn.
Các máy bay cảnh báo sớm trên không RAF AWACS có tên định danh là Nato 30 và Nato 31, được phóng từ RAF Waddington vào tuần trước nhằm tạo ra một "vòng thép" bảo vệ xung quanh con tàu, theo The Sunday Express.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Nhóm tàu sân bay tấn công của Vương quốc Anh hiện đang thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố từ Đông Địa Trung Hải dưới sự ủy nhiệm lâu dài của Chiến dịch Shader và hỗ trợ Chiến dịch từ Mỹ.
Trong khi đó, một số tàu và máy bay quân sự của các quốc gia khác đang tiến hành các cuộc tập trận và hoạt động độc lập trong khu vực.
Điều này xảy ra sau khi tàu HMS Defender đi qua vùng biển tranh chấp cách bờ biển Crimea 12 km khiến căng thẳng ngoại giao bùng phát vào tuần trước, với việc Nga cho biết lực lượng quân sự Moscow đã bắn cảnh cáo và thả bom gần khu trục hạm của Hải quân Hoàng gia Anh.
Bộ Quốc phòng Anh đã tranh luận về sự kiện này và mô tả hành trình của con tàu là "vô tội" vì súng trên tàu được “bọc nguyên” và máy bay trực thăng thì ở trong nhà chứa.
Vương quốc Anh không công nhận tuyên bố chủ quyền của Nga đối với khu vực này.
Hậu quả thảm khốc
Hậu quả sự cố với tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh tại Biển Đen có thể rất thảm khốc, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho biết.
Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin hôm qua đã kêu gọi các tổ chức quốc tế, bao gồm Liên Hợp quốc, OSCE và Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE), lên án việc tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh xâm phạm lãnh hải Nga tại Biển Đen.
"Sẽ là đúng đắn nếu các tổ chức quốc tế, gồm Liên Hợp quốc, OSCE, PACE, lên án hành động của chính quyền Anh và kêu gọi xử lý những kẻ đứng sau bước đi liều lĩnh này", ông Volodin viết trên kênh Telegram.
“Bất kỳ hành động khiêu khích nào chống lại một cường quốc hạt nhân đều gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh toàn cầu nói chung”, ông Volodin cho biết.
Hạm đội tàu thuộc Hải quân Nga tại Địa Trung Hải sẽ triển khai các cuộc tập trận tên lửa ở vị trí cách tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh khoảng 30 km.
Đầu tuần, Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng Hải quân và Không quân Nga sẽ tổ chức các cuộc tập chung từ ngày 25/6 tại phía Đông Địa Trung Hải, với sự tham gia của 5 tàu chiến, 2 tàu ngầm, máy bay ném bom tấn công Tu-22M3 và chiến đấu cơ MiG-31K có khả năng mang theo tên lửa siêu thanh. Ngày 25/6, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận hai máy bay MiG-31K đã tới căn cứ không quân Khmeimim của Nga tại Syria để chuẩn bị cho cuộc tập trận.