Thổ Nhĩ Kỳ nể mặt Nga
Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu nhiều thương vong trong đợt giao tranh mới nhất ở tỉnh Idlib phía tây bắc Syria. Nhưng bất chấp việc Nga ủng hộ quân đội Syria trong cuộc chiến hiện tại, Ankara đã kiềm chế đối đầu với Moscow.
Các nhà phân tích tin rằng, điều này đến từ việc Nga vẫn giữ lại đòn bẩy kinh tế đáng kể đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong diễn biến mới nhất trên chiến trường, một đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib đã bị tấn công hôm 24/2 trong một cuộc không kích. Vào cuối tuần trước, có thêm một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, đưa tổng số binh sĩ bị tổn hại trong cuộc đối đầu ở Idlib lên con số 18.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mô tả các cuộc đàm phán với Nga hiện tại là hiệu quả, nhưng các nhà phân tích cho rằng các thông tin về thương vong mới nhất đang cho thấy điều ngược lại.
"Tổng thống Putin đã không thực hiện cam kết, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như vẫn nể mặt nhà lãnh đạo Nga", nhà phân tích Atilla Yesilada của Global Source Partners cho biết.
Đòn bẩy kinh tế
Các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Erdogan nhận thức rõ về đòn bẩy kinh tế quan trọng mà Moscow sở hữu.
"Người Nga có rất nhiều đòn bẩy so với Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia quan hệ quốc tế Soli Ozel thuộc Đại học Kadir Has ở Istanbul cho biết.
"Cà chua có thể không vượt qua được biên giới", ông nói thêm, "cùng với các loại trái cây và rau quả khác. Các chuyến bay thường xuyên từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở nên ít hơn hoặc có thể chấm dứt”.
Nga là một thị trường quan trọng đối với các sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như khách du lịch Nga là nguồn thu lớn đối với ngành du lịch nước này.
Sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga năm 2015 khiến quan hệ hai nước căng thẳng chưa từng có, Moscow đã cấm nhập khẩu cà chua Thổ Nhĩ Kỳ và ngăn cấm khách du lịch, cuối cùng Tổng thống Erdogan phải lên tiếng xin lỗi.
Trong một động thái răn đe Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vấn đề Idlib, một con tàu chở hàng nghìn tấn cà chua từ nước này đã được gửi trả về từ Nga hồi đầu tháng.
Số lượng khách du lịch đến từ Nga năm ngoái đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tổng lượng khách du lịch cao nhất lịch sử, tăng lên 45 triệu vào năm 2019 từ 39 triệu so với năm trước.
Du lịch là một ngành sử dụng nhiều lao động, cũng như một nguồn ngoại tệ quan trọng giúp đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cởi bỏ được nhiều áp lực, các nhà phân tích đánh giá.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang nỗ lực phục hồi sau vụ suy thoái tiền tệ năm 2018, với tốc độ tăng trưởng chậm chạp và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 25%. Các nhà phân tích cho rằng ông Erdogan sẽ không muốn mạo hiểm một cuộc chiến kinh tế mới với Moscow.
Tuy nhiên, năng lượng mới là quân bài đặc biệt mà Moscow có thể gây ra nỗi đau cho Ankara.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia xây dựng một nhà máy điện hạt nhân với Nga, sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023", Mehmet Ogutcu, Chủ tịch Câu lạc bộ Năng lượng London cho biết. "Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng mua khí đốt từ đường ống Blue Stream cũng như có hai dự án hợp tác khác từ Nga”.
"Thổ Nhĩ Kỳ muốn giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vốn đang chiếm đến 52% vì lo ngại kịch bản u ám trong vụ khủng hoảng năm 2015 tái hiện. Điều gì sẽ xảy ra khi Nga cắt nguồn cung cho Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt mùa đông?", ông Ogutcu đặt câu hỏi.
Trong hai năm tới, một số hợp đồng khí đốt dài hạn của Nga sẽ được gia hạn. Đổi mới hợp đồng sẽ được coi là cơ hội để Ankara tái cân bằng mối quan hệ với Moscow.
"Thổ Nhĩ Kỳ khá nhận thức được thực tế rằng họ phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga và điều này cần phải thay đổi để họ có thể kiểm soát được", ông Ogutcu nói.
"Có một mối quan hệ bất cân xứng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, khi Thổ Nhĩ Kỳ luôn phải làm bất cứ điều gì Nga muốn. Nhưng cần phải có một sự thay đổi, cân bằng lại mối quan hệ. Việc thảo luận gia hạn hợp đồng sắp tới sẽ là bước đi cần thiết", ông nói thêm.