Ngày 29/3, Lực lượng Không quân Nga đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào trụ sở của phiến quân ở Greater Idlib. Vụ tấn công được cho là diễn ra gần thị trấn Martin thuộc vùng nông thôn phía tây Idlib.
Trước đó, từ ngày 21/3, lực lượng Nga cũng đã thực hiện một loạt cuộc không kích nhằm vào các chiến binh ở Greater Idlib để đáp trả một cuộc tấn công quy mô lớn ở Aleppo. Cuộc tấn công của phiến quân thời điểm ấy đã gây nhiều thiệt hại về dân sự.
Hiện tại, tình hình tại Syria vô cùng phức tạp với những cuộc giao tranh dữ dội của nhiều lực lượng. Tình hình còn trở nên phức tạp hơn khi Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những hành động thúc đẩy nhằm bảo toàn lợi ích của họ ở Syria. Điều này khiến tình hình căng thẳng tại Syria tiếp tục leo thang.
Về phía Quân đội Ả Rập Syria, các chiến dịch của họ luôn có sự hỗ trợ của lực lượng Nga. Dưới sự hậu thuẫn của Nga, Quân đội Ả Rập Syria liên tục giành được lợi thế trên thực địa. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể đảm bảo một chiến thắng lấn át cho Quân đội Ả Rập Syria. Thời gian gần đây, Nga còn tăng thêm khí tài để hỗ trợ đồng minh.
Sputnik đưa tin, máy bay trực thăng đa năng hạng nhẹ Ka-226 của Nga lần đầu tiên được nhìn thấy trong một cuộc tập trận của Lực lượng Đặc nhiệm số 25 thuộc Quân đội Ả Rập Syria (trước đây là Lực lượng Hổ).
Ka-226 là loại trực thăng hạng nhẹ với trọng lượng cất cánh tối đa là 3.600kg. Tốc độ bay của nó là 190 km/giờ và tốc độ tối đa là 210-220 km/giờ. Phạm vi bay của trực thăng loại này là 475-600 km. Lợi thế của Ka-226 là có thể hoạt động trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt, 50 độ C và độ ẩm 100%.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong các cuộc tập trận diễn ra ở khu vực giáp ranh giữa Aleppo và Hama, máy bay Ka-226 thực hiện nhiệm vụ chuyển người dân khỏi những ngôi làng bị các tay súng tấn công.
Cũng trong cuộc tập trận này, Không quân Nga sử dụng trực thăng Mi-8 để truyền thông tin cho lực lượng Syria. Trực thăng Mi-24 của Syria và hai máy bay cường kích L-39 cũng tham gia cuộc tập trận.
Trong khi đó, hội nghị quốc tế lần thứ năm về “Hỗ trợ tương lai của Syria và khu vực” do Liên minh Châu Âu và Liên Hiệp Quốc chủ trì bắt đầu tại Brussels. Hội nghị sẽ kết thúc trong ngày 30/3 (giờ địa phương). Hội nghị có sự tham gia trực tuyến của 50 quốc gia và nhiều tổ chức phi chính phủ.
Thông cáo chung của hội nghị nêu rõ, Liên minh Châu Âu là “nhà tài trợ chính” trong việc khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng Syria. Kể từ năm 2011, Liên minh Châu Âu đã huy động được khoảng 25 tỷ USD. Hội nghị lần thứ năm đã công bố các khoản tài trợ tài chính cho Syria và toàn khu vực vào năm 2021. Tuy nhiên, có vẻ như việc hỗ trợ tài chính vẫn chưa có được kết quả đáng kể, vì IS vẫn đang hoạt động ở Syria và các cuộc giao tranh giữa các chiến binh vẫn diễn ra hàng ngày gây ra nhiều tổn thất, bao gồm cả dân thường.
HOÀ AN (Theo SF)