Những động thái quân sự phức tạp đang diễn ra.
Hy vọng loé lên rồi vụt tắt
Những hy vọng và kỳ vọng về sự bình thường hoá giữa Moscow, Washington và Kiev ở biên giới chỉ loé lên và chập chờn trong chốc lát thì bị dập tắt.
Ngày 13/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuyên bố của Nhà Trắng về cuộc điện đàm là tích cực, thậm chí còn tỏ ra lạc quan. Nhà Trắng cho biết, hai tổng thống đã thảo luận một số vấn đề về khu vực và toàn cầu. Vấn đề Ukraine đã được thảo luận và Nga cần nỗ lực để giảm leo thang tình hình.
Đáp lại, Tổng thống Vladimir Putin đã vạch ra các kế hoạch tiếp cận để có những chính sách giải quyết vấn đề dựa trên các giải pháp đã đề cập ở thoả thuận Minsk.
Như vậy, sau một tháng kể từ khi xuất hiện cuộc khủng hoảng ngoại giao vì Tổng thống Putin bị gọi là “kẻ giết người”, những người đồng cấp đã điện đàm. Tình hình dường như được xoa dịu và được chứng minh bằng việc Mỹ quyết định không triển khai 2 tàu chiến của họ đến Biển Đen và thực tế, chúng đã được “thu hồi”.
Thế nhưng, khi hy vọng vừa loé lên, Chính quyền của ông Biden lại “trở mặt”, với việc Tổng thống Mỹ ký lệnh trừng phạt Nga....
Như vậy, mọi hy vọng về sự bình thường hoá đã tan thành mây khói.
Ngay lập tức, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố, ông “rất ngạc nhiên” trước lập trường của tất cả 30 quốc gia NATO trong việc chống lại "hành động của Nga" đối với Ukraine.
Ở một động thái liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao của Vương quốc Anh và Ba Lan đã triệu tập Đại sứ Nga, liên quan đến “đường lối ứng xử thù địch” của Nga.
Cuộc diện đã thay đổi rất nhanh chỉ trong một ngày.
Do những bất ổn trong chính sách của Mỹ, Nga cho biết họ sẽ xem xét loại bỏ đồng đô la Mỹ.
Trong tương lai gần, không có cuộc gặp nào khác sẽ diễn ra giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Nga Putin. Những gì diễn ra trong thời gian một ngày khiến người ta kinh ngạc. 24h với những thái cực khác nhau là điều khó hiểu.
Trong khi đó, tình hình ở Ukraine đang có chiều hướng xấu đi. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng “quân đội đã sẵn sàng” và tình hình đã được kiểm soát, mặc dù có “một số vấn đề nhất định”.
“Ngư ông đắc lợi”
Trong khi sự chú ý của Moscow đang hướng đến Washington thì Ankara được cho là đã gửi quân đến Ukraine.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, các chuyên gia của Ankara đã đến để huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành máy bay không người lái Bayraktar TB2. Việc xuất hiện của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến cuộc đối đầu Nga-Ukraine phức tạp hơn.
Ngày 15/4 có thể sẽ đi vào lịch sử hiện đại khi một cuộc chiến tranh mới bắt đầu, dù là nóng hay lạnh.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga – Mỹ căng thẳng hay Nga – Ukraine căng thẳng đều sẽ mang đến lợi ích.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vốn căng thẳng khi Ankara nhất quyết mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Trong suốt một thời gian dài, mối quan hệ giữa 2 đồng minh NATO trở nên xấu đi. Nay, vấn đề Ukraine đồng thuận một quan điểm, một lập trường sẽ giúp Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ có cái chung để xích lại gần nhau.
Nếu Nga – Mỹ căng thẳng giúp Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội cải thiện mối quan hệ với Mỹ thì căng thẳng Nga – Ukraine sẽ giúp Ankara khẳng định vị trí cường quốc xuất khẩu vũ khí.
Kiev và Ankara đang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng. Năm 2018, Ukraine đã ký thoả thuận trị giá 69 triệu đô la Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó mua 6 máy bay không người lái Bayraktar TB2 và 200 tên lửa chính xác cao. Năm ngoái, Kiev cũng đã mua 4 tàu hộ tống lớp MILGEM Ada của Ankara.
Với tình hình căng thẳng hiện nay rất có thể Kiev phải tăng thêm khí tài và Ankara là nơi họ có thể tìm đến. Điều này giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng uy tín một quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn.
HOÀ AN (Theo SF)