Các chuyên gia thị trường cảnh báo Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu tới 3 triệu thùng mỗi ngày nếu Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tiến hành kế hoạch giới hạn giá dầu.
Các bình luận được đưa ra khi các nước EU hôm 5/10 đã đạt được thỏa hiệp về gói trừng phạt mới nhắm vào Moscow, bao gồm trần giá dầu, và khi các quốc gia OPEC+ (trong đó có Nga) đồng ý về việc cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu toàn cầu.
Gói trừng phạt mới của EU sẽ giới hạn giá bán dầu cho các nước thứ ba, một biện pháp được thiết kế để hạn chế doanh thu của Nga trong khi giữ cho dầu của nước này tiếp tục chảy ra thị trường quốc tế.
Phản ứng với động thái trên, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 5/10 cho rằng biện pháp này sẽ phản tác dụng, khiến giá dầu tăng cao hơn và có thể dẫn đến việc Nga tạm thời cắt giảm sản lượng.
“Chúng tôi chống lại những công cụ phi thị trường như vậy; những tiền lệ như vậy rất có hại cho thị trường năng lượng. Điều này chỉ dẫn đến thâm hụt, dẫn đến tăng giá”, ông Novak nói với các phóng viên, đồng thời tuyên bố Nga sẽ không bán dầu cho những nước đặt giới hạn giá.
Ông Novak, người từng là Bộ trưởng Năng lượng Nga, cũng cho biết thêm về sản lượng dầu dự kiến của nước này trong năm nay và năm sau. Theo đó, Nga sẽ sản xuất khoảng 530 triệu tấn dầu thô và khí ngưng tụ trong năm 2022, và giảm xuống còn 490 triệu tấn vào năm 2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn có thể cắt giảm sản lượng tới vài triệu thùng mỗi ngày mà không sợ làm hỏng các giếng giầu của mình, theo ông Robert McNally, chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group, người từng là cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Quan điểm của ông McNally cũng nhận được sự đồng tình của các nhà quan sát thị trường kỳ cựu khác ở Washington.
Ông Kevin Book, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu ClearView Energy Partners cho biết, Nga có thể không cắt giảm ngay lập tức cả 3 triệu thùng/ngày, nhưng “chỉ một nửa trong số đó cũng đủ để gây căng thẳng ngay lập tức cho thị trường”.
Lầm tưởng
Sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Nga đã tăng lên khoảng 10,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7, mức cao nhất kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Kế hoạch giới hạn giá dầu là chủ đề thảo luận chính trong những tuần gần đây của các quan chức Bộ Tài chính Mỹ và các đối tác G7. Khái niệm “trần giá dầu” chưa được thử nghiệm trên thực tế mà chỉ được đặt ra dựa trên giả định rằng ông Putin cần nguồn thu từ năng lượng đến mức ông ấy sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ các điều khoản của biện pháp giới hạn giá. Và nếu Nga chọn ngừng sản xuất dầu để đối phó, thì điều này cũng được giả định rằng có thể làm hỏng các giếng dầu của Nga.
Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết, phân tích của họ cho thấy Nga sẽ tự gây thiệt hại lâu dài cho cơ sở hạ tầng sản xuất, lưu trữ và vận chuyển dầu của mình bằng cách cắt giảm sản lượng. Vị quan chức này cho biết thêm rằng nhiều công ty phương Tây đã rời khỏi đất nước, khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn vì khi rời đi, họ đã mang theo các chuyên gia và công nghệ của mình.
Nhưng ông McNally cho biết, sự thực là Nga hoàn toàn có thể cắt giảm đáng kể sản lượng hàng ngày của mình mà không gây nguy hiểm cho các dòng chảy trong tương lai.
“Các nhà khai thác dầu của Nga đã trở thành chuyên gia trong việc linh hoạt hóa sản xuất nhiên liệu hóa thạch của mình và việc cho phép các mỏ dầu khí nghỉ ngơi có thể thúc đẩy sự phục hồi các nguồn tài nguyên”, ông McNally giải thích.
Các chuyên gia cũng lo ngại rằng cắt giảm sản lượng không phải là lựa chọn duy nhất để Nga đáp trả nếu giới hạn giá dầu được áp dụng.
Ông David Goldwyn, một nhà tư vấn độc lập và từng là đặc phái viên năng lượng tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết các khả năng khác bao gồm cắt xuất khẩu dầu thô thông qua đường ống Druzhba và Caspian Pipeline Consortium, hoặc “trả đũa theo cách nào đó” để “về cơ bản là làm giá tăng”.
Minh Đức (Theo Bloomberg, TASS)