S-400 sợ thua trước F-35?
Chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok của tờ Gazeta.ru vừa phản biện bài phân tích của cây bút Panagiotis Nastos thuộc hãng thông tấn Hy Lạp Pentapostagma, nói về lý do S-400 của Nga ở Syria không đáp trả các cuộc không kích của Israel.
Trong bài viết của mình, Nastos tuyên bố rằng hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đặt tại Syria không thể làm gì khác ngoài việc “im lặng” trong lúc các máy bay của không quân Israel xâm nhập không phận Syria để tấn công các vị trí của Iran.
Nastos tin rằng Nga không muốn kích động cuộc chiến với Israel vì nếu người Nga bắn hạ máy bay Israel, người Israel sẽ tiêu diệt S-400, do đó làm giảm giá trị của hệ thống này trên thị trường vũ khí quốc tế.
Về phần mình, chuyên gia Khodarenok của Nga tin rằng phân tích như vậy vẫn còn hời hợt. Theo đó, Iran đã tìm cách núp dưới sự che chở của các lực lượng Nga trong lúc xây dựng lực lượng chống lại Israel. Nhưng Nga không có lý do cần phải can thiệp để bảo vệ người Iran.
Nga giờ đây đã khôn khéo hơn rất nhiều so với cái thời Liên Xô tích cực đứng về phía Ả Rập để chống lại Israel trong những năm 1960 và 1970. Nga sẽ không tham gia vào các hành động thù địch như vậy mà không có một mục tiêu chiến lược rõ ràng, cũng như phải tính toán kỹ lưỡng hậu quả của các hành động.
Về cơ bản, bài viết của Nastos chỉ ra rằng, Nga đã cố gắng tránh xảy ra các tình huống đối đầu giữa máy bay F-35 của Israel và S-400. Vì Nga sợ S-400 sẽ bị phá hủy và sẽ không có quốc gia nào muốn mua thứ vũ khí dễ bị đánh bại như vậy. Việc tránh các trường hợp rủi ro sẽ tạo cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga xuất khẩu vũ khí sang các nước thứ ba trên thị trường toàn cầu. Chính vì lý do này mà lính phòng không Nga không tung hỏa lực vào máy bay của không quân Israel.
Nói cách khác, bài phân tích của Nastos chỉ tập trung hoàn toàn vào vấn đề hợp tác quân sự-kỹ thuật nói chung, thương mại vũ khí và thiết bị quân sự nói riêng.
Tuy nhiên, phản biện lại, chuyên gia Khodarenok cho rằng tình hình ở Syria phức tạp và đa chiều hơn nhiều, không phải chỉ liên quan đến vấn đề bán vũ khí mà còn có nhiều yếu tố cấu thành vấn đề này: địa chính trị, quân sự và quân sự-kỹ thuật. Lý do Nga không khai hỏa S-400 không đơn thuần chỉ vì bảo vệ danh tiếng vũ khí.
Moscow có nên trả đũa?
Về câu hỏi Nga có nên trả đũa các cuộc tấn công của không quân Israel ở Syria hay không, chuyên gia Khodarenok tin rằng, lực lượng vũ trang Nga ở Syria ở trong một tình thế khó nghĩ.
Một mặt, Nga cần có trách nhiệm hỗ trợ đồng minh trong khu vực là chính quyền Damascus. Nhưng mặt khác, các kế hoạch của Điện Kremlin hiện tại không muốn đối đầu vũ trang với Israel dưới mọi hình thức.
Trên thực tế, cần phải hiểu rõ rằng, nếu các hệ thống tên lửa phòng không của Nga khai hỏa vào máy bay của không quân Israel, điều này chắc chắn sẽ biến tình hình trong khu vực thành một cuộc chiến quy mô lớn giữa Moscow và Tel Aviv.
Trước khi để xảy ra kịch bản như vậy, Moscow sẽ cần phải trả lời trước một số câu hỏi.
Thứ nhất, mục tiêu chính trị và quân sự của cuộc xung đột trong trường hợp này là gì? Thứ hai, liệu có thể đạt được các mục tiêu đã đặt ra bằng các biện pháp quân sự? Thứ ba, kết quả của cuộc chiến sẽ mang đến điều gì? Và, cuối cùng, câu hỏi quan trọng nhất: Tại sao Moscow cần phải làm vậy và cái giá của cuộc chiến này sẽ là gì?
Điện Kremlin dường như đã có câu trả lời cho tất cả những câu hỏi nói trên. Đó cũng là lý do khiến Nga phản ứng bằng cách im lặng như hiện tại.
Cả Moscow và Tel Aviv đều đang thực hiện tất cả các biện pháp có thể để đảm bảo rằng các hành động của không quân Israel sẽ không gây thiệt hại cho các cơ sở quân sự của Nga và thương vong cho các nhân viên lực lượng vũ trang Nga ở Syria.
Đối với các nhiệm vụ chiến đấu được giao cho các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 ở Syria, vũ khí này chỉ có trọng trách bảo vệ các cơ sở quân sự của Nga (trước hết là căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus ), trong trường hợp sự an toàn bị đe dọa.
“Tóm lại, không ai ở Moscow sẽ chiến đấu với Israel vì các cuộc không kích vào các mục tiêu của Iran ở Syria. Do đó những phân tích của hãng thông tấn Hy Lạp Pentapostagma chỉ là hời hợt”, chuyên gia Khodarenok kết luận.