Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu càng thêm trầm trọng sau khi tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết họ không thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho Đức, lý do là đường ống dẫn khí Nord Stream 1 cần phải bảo trì khẩn cấp. Thông báo này được đưa ra chỉ vài giờ trước khi đường ống này được mở lại sau 3 ngày bảo trì (từ 31/8 đến 2/9).
Cụ thể, Gazprom đã xác định được chỗ rò rỉ dầu ở 4 tuabin tại trạm nén Portovaya ở cuối đường ống Nord Stream 1, bao gồm cả tuabin đang hoạt động duy nhất. Gazprom tuyên bố đã nhận được cảnh báo từ cơ quan giám sát an toàn công nghiệp của Nga rằng rò rỉ “không đảm bảo động cơ tuabin khí hoạt động an toàn”, tập đoàn này cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội tối 2/9.
Gazprom không cho biết khi nào đường ống Nord Stream 1 sẽ được khởi động lại. Thời gian gần đây, đường ống này chỉ chạy với 20% công suất.
Thông báo của Gazprom được đưa ra sau khi các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới – Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Mỹ (G7) nhất trí thông qua quyết định áp giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga nhằm hạn chế tác động nghiêm trọng của cuộc xung đột Nga – Ukraine lên giá năng lượng toàn cầu.
Các bộ trưởng tài chính G7 cho biết họ sẽ cấm cung cấp “các dịch vụ vận chuyển hàng hải dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga trên toàn cầu” dựa trên mức giá trần.
Trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng tài chính G7 cho biết mức giá tối đa sẽ do một liên minh các quốc gia quy định, có hiệu lực cùng với đợt trừng phạt tiếp theo của Liên minh châu Âu, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga bằng đường biển bắt đầu từ đầu tháng 12.
Kế hoạch được đưa ra trong một cuộc họp hôm 2/9. Tuy nhiên, mức giá trần và thời hạn áp dụng giá trần vẫn chưa được quyết định.
Các quan chức đang chạy đua để đưa ra kế hoạch áp giá trần vào đầu tháng 12 nhằm hạn chế suy thoái kinh tế từ các biện pháp trừng phạt của EU. Họ sẽ cấm gần như tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào Liên minh châu Âu và cấm bảo hiểm và tài trợ cho các chuyến hàng dầu của Nga.
Việc Nga kiểm soát nhiều nguồn cung năng lượng toàn cầu vẫn là một thách thức lớn trong nửa năm qua, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Tuần này, Nga đã tạm thời ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu thông qua một đường ống quan trọng và cắt tất cả nguồn cung cho một công ty tiện ích của Pháp, khiến lạm phát châu Âu lên mức cao kỷ lục 9%.
Sự gián đoạn liên tục từ Gazprom có nghĩa là “châu Âu sẽ trải qua một mùa đông không có khí đốt của Nga. Chỉ có một cách để đối phó với điều đó: giảm nhu cầu khí đốt và điện”, ông Simone Tagliapietra, chuyên gia chính sách năng lượng của viện nghiên cứu kinh tế Bruegel ở Brussels, phát biểu.
Được biết, các kho dự trữ khí đốt ở châu Âu đã được lấp đầy đến 80%, bất chấp việc Nga cắt giảm nguồn cung.
Nguyễn Tuyết (Theo NBC News, NY Times, DW, CNN, Sky)