Nga tiếp tục siết nguồn cung khí đốt đến châu Âu

Nga tiếp tục siết nguồn cung khí đốt đến châu Âu

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 7, 18/06/2022 12:20

Tập đoàn Gazprom của Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt đến một số nước châu Âu. Đức, Italy, Pháp,… đều báo cáo thiếu hụt lượng khí đốt lẽ ra họ phải được cung cấp.

Nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu tiếp tục giảm khi công ty điều hành đường ống khí đốt GRTgaz của Pháp ngày 17/6 cho biết dòng khí đốt từ Đức sang Pháp đã bị gián đoạn kể từ giữa tháng này, trong khi khối lượng khí đốt vận chuyển đến Italy và Slovakia giảm đến 50%.

Theo GRTgaz, kể từ ngày 15/6, dòng khí đốt của Nga từ Đức sang Pháp đã tạm dừng. GRTgaz bày tỏ lo ngại thiếu nguồn cung khí đốt vào mùa Đông tới, đồng thời kêu gọi các quốc gia trung chuyển khí đốt của Nga lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt nhiều nhất có thể.

Trước đó, GRTgaz cho biết, Pháp có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung khí đốt trong mùa Hè này khi lưu lượng khí đốt từ Đức bị cắt giảm do nhu cầu nhập khẩu khí đốt của Tây Ban Nha gia tăng. Theo GRTgaz, kho dự trữ khí đốt chiến lược của Pháp hiện đã đầy 56%, cao hơn mức trung bình 50% vào thời điểm này trong năm.

Trong ngày 17/6, công ty dầu khí Eni của Italy cũng cho biết, công ty này sẽ chỉ nhận được 50% khối lượng khí đốt yêu cầu trong một ngày từ tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga.

Theo Eni, Gazprom thông báo sẽ chỉ cung cấp 50% khối lượng khí đốt yêu cầu, qua đó giảm nguồn cung trong ngày thứ 3 liên tiếp. Gazprom giải thích nguyên nhân là do các vấn đề liên quan đến trạm nén khí Portovaya.

Công ty nhập khẩu khí đốt SPP của Slovakia cùng ngày cũng nhận được thông báo từ Gazprom rằng khối lượng khí đốt sẽ bị giảm 50%.

Trước đó, ngày 14/6, Gazprom thông báo đã giảm nguồn cung khí đốt qua Đức từ 167 triệu mét khối/ngày xuống 100 triệu mét khối/ngày.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo ba nước Đức, Pháp, Italy ngày 17/6 tới thăm Kiev nhằm bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine. Trong chuyến đi, khi được hỏi về lý do Gazprom giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu, Thủ tướng Italy Mario Draghi nói "chúng tôi, Đức và các quốc gia khác tin rằng đây là những lời nói dối". "Giống như ngũ cốc, khí đốt đã được sử dụng cho mục đích chính trị", ông nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt đến châu Âu kể từ khi xung đột quân sự ở Ukraine nổ ra. Tháng trước, Moscow đã đình chỉ xuất khẩu điện và khí đốt sang Phần Lan sau khi nước này từ bỏ quan điểm trung lập lâu đời và chính thức yêu cầu gia nhập NATO.

Hồi tháng 4, Moscow đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria, 2 quốc gia NATO lên tiếng mạnh mẽ phản đối Nga về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Xuất khẩu khí đốt là yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế Nga. Việc Nga cắt nguồn cung đến châu Âu đang khiến khí đốt tăng giá chóng mặt.

Alexei Miller, Giám đốc điều hành của Gazprom, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg hôm 16/6: “Đúng vậy, nguồn cung khí đốt cho châu Âu đã giảm vài chục phần trăm. Giá tăng không chỉ chục phần trăm, mà tăng gấp vài lần”.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak phát biểu tại cùng hội nghị, cho biết người châu Âu đã phải trả nhiều hơn khoảng 400 tỷ euro so với trước khi cắt giảm và ám chỉ sẽ có thêm nhiều lần cắt giảm nữa. “Đây không phải là giới hạn theo quan điểm của chúng tôi. Mọi thứ có thể hơn thế nữa”, ông Novak nói.

Tình trạng phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga, vốn đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, dường như khó có thể chấm dứt nhanh chóng. Liên minh châu Âu (EU) chỉ mất vài tuần để nhất trí về lệnh cấm than đá và dầu Nga, nhưng khí đốt là câu chuyện khác.

Châu Âu hàng năm nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu khí đốt từ Nga. Việc nguồn cung từ Nga giảm sút không chỉ khiến giá cả leo thang mà có thể khiến nhiều doanh nghiệp lớn ở châu Âu bị dừng hoạt động.

"Xuất khẩu khí đốt mang lại cho Moscow một công cụ ngoại giao mạnh mẽ ở châu Âu", bình luận viên Bennhold và Eddy nhận định. "Động thái của Tổng thống Putin như một thông điệp nhắc nhở rằng ông có khí đốt và nắm trong tay số phận của các ngành công nghiệp quan trọng nhất châu Âu".

Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Zing)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.