Ngân hàng trung ương Nga hôm 8/8 đã công bố các bước nhằm ngăn nhà đầu tư từ các quốc gia “không thân thiện” lợi dụng tình hình mới để “bán tháo” cổ phiếu Nga mà họ vẫn nắm giữ kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo Reuters, trước đó, hôm 5/8, Sở giao dịch chứng khoán Moscow tuyên bố sẽ cho phép khách hàng từ các khu vực pháp lý "thân thiện" - hoặc những khu vực không áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga về các hành động của họ ở Ukraine - bắt đầu giao dịch sau gần 6 tháng gián đoạn.
Nhưng sau đó họ cho biết, điều này sẽ chỉ áp dụng cho thị trường phái sinh, không phải thị trường chứng khoán chính, và không cho biết khi nào thì việc tiếp cận rộng rãi hơn sẽ được phép.
Các nhà phân tích nói với Reuters rằng, sự trì hoãn này một phần do lo ngại rằng các nhà đầu tư từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh - những quốc gia hiện đang bị cấm giao dịch ở Moscow - có thể lợi dụng việc Moscow cho phép nối lại giao dịch của các quốc gia "thân thiện" để bán bớt cổ phiếu Nga mà họ vẫn nắm giữ.
Ngân hàng trung ương Nga hôm 8/8 cho biết, họ đã chặn các cơ quan đăng ký và lưu ký của Nga thực hiện các giao dịch với chứng khoán nhận được từ các đối tác nước ngoài - bao gồm cả từ các nước "thân thiện" - trong 6 tháng.
Cơ quan quản lý cho biết, họ đã thấy các nhà môi giới cung cấp tùy chọn mua chứng khoán từ những người không cư trú ở các khu vực pháp lý nước ngoài và sau đó chuyển tài sản sang một cơ quan lưu ký của Nga - một động thái mà họ mô tả là rủi ro và "không đảm bảo thu được kết quả tài chính như mong đợi".
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây theo sau xung đột Nga-Ukraine đã hạn chế nghiêm trọng khả năng tiếp cận thị trường chứng khoán toàn cầu của người Nga, trong khi các biện pháp đáp trả từ Moscow cũng đã chặn hầu hết người nước ngoài mua và bán cổ phiếu Nga.
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine sáng sớm ngày 24/2, phiên giao dịch mở cửa chứng kiến hàng loạt chỉ số chứng khoán của thị trường châu Âu như FTSE 100 của Anh, CAC 40 của Pháp và DAX của Đức chìm trong sắc đỏ và sụt giảm nặng nề.
Đáng chú ý, chỉ số MOEX của Nga rơi tự do gần 1.400 điểm, khoảng 45%, xuống còn 1.690 điểm. Đây là mức thấp nhất của MOEX kể từ tháng 9/2015.
Đà bán tháo mạnh mẽ khiến Sở giao dịch chứng khoán Moscow phải tạm ngừng giao dịch 2 lần và dừng hẳn giao dịch vào ngày hôm sau, ngày 25/2. Phải mất 1 tháng sau Nga mới nối lại một số giao dịch chứng khoán và tiến hành mở cửa thị trường theo từng giai đoạn.
Minh Đức (Theo Reuters)