Xuất hiện nhiều, thủ đoạn tinh vi
Không thể phủ nhận rằng, Việt Nam đã làm tốt công tác kiểm soát người nhập cảnh và các ca bệnh trong nước, khoanh vùng, dập dịch và chữa trị ngay khi có ca nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên không vì thế mà được lơ là cảnh giác cũng như nhẹ tay cho các đối tượng lợi dụng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong thời gian dịch Covid-19 xuất hiện.
Mới đây, đã có hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đặc biệt, vào ngày 18/7, tỉnh Quảng Nam cũng phát hiện 21 người Trung Quốc lưu trú trái phép tại thị xã Điện Bàn và TP. Hội An.
Những người này đều nằm trong đường dây đưa người vượt biên hòng nhập cảnh trái phép vào nước ta khi có đến 17 người không có giấy tờ tùy thân.
Hay tối ngày 30/7, tại khu vực Mốc 1364 + 200, xã Bắc Sơn, TP. Móng Cái (Quảng Ninh), tổ tuần tra kiểm soát của đồn biên phòng Bắc Sơn cũng phát hiện một nhóm 29 người Việt Nam đang có hành vi nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường sông biên giới.
Ngay sau đó, đồn biên phòng đã lấy lời khai và chuyển số người nhập cảnh trái phép về khu vực cách ly tập trung của TP. Móng Cái.
Theo quy định, những người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly 14 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 2 lần trở lên mới được rời khỏi khu cách ly sau đó sẽ tiến hành tự cách ly tại nhà.
Vì vậy, những hành vi vượt biên trái phép qua các đường mòn, lối mở hoặc tổ chức đưa dẫn người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đều là những hành vi đáng lên án và gây phẫn nộ cho xã hội. Nhất là trong bối cảnh các nước trên thế giới đang phải chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19.
Cần phải xử lý nghiêm
Với trường hợp những người vượt biên, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ, đây được coi là hành vi nguy hiểm vì các đối tượng đã bất chấp quy định về pháp luật và công tác phòng ngừa dịch bệnh của Việt Nam nhằm thu lợi cá nhân.
Theo luật sư Ứng, Điều 348, Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù.
Đồng thời, người phạm tội có thể bị phạt từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Ngoài ra, những đối tượng vượt biên không theo đường dây, đi một mình hay không bắt được đối tượng cầm đầu cũng sẽ vi phạm quy định về nhập cảnh trái phép theo Điều 347, Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cao nhất là 3 năm tù.
Nói thêm về những trường hợp tổ chức cho người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và làm lan truyền dịch bệnh, luật sư nhấn mạnh, cần áp dụng tình tiết tăng nặng theo Khoản 1, Điều 52, Bộ luật Hình sự 2015 là lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội.
Với những đối tượng, khi biết mình đã nhiễm Covid-19 nhưng vẫn cố tình nhập cảnh vào Việt Nam và cư trú trái phép, đi lại không tuân thủ theo các quy định phòng chống dịch bệnh thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là tội lây truyền bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, về vấn đề này cơ quan chức năng sẽ cần làm rõ đối với từng đối tượng cụ thể.
Việt Nam đã trải qua nhiều ngày không có ca mắc trong cộng đồng, chính điều này là cơ hội để một số thành phần xấu lợi dụng nhập cảnh trái phép mà không muốn cách ly hay xét nghiệm Covid-19. Bởi việc có người nhập cảnh trái phép và làm lây lan dịch bệnh là một hậu quả không thể lường trước.
Cũng theo luật sư Phạm Hồng Kiên (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) những trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch thuộc nhóm A (Trung Quốc) thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm A, Khoản 5, Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi “Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A”.
Ngoài ra, luật sư Kiên còn nhấn mạnh, các tỉnh biên giới cần tăng cường công tác, quản lý, thắt chặt các cửa ngõ vùng biên để có thể kiểm soát người vượt biên trái phép.