Ngân hàng liệu có "hụt hơi" lợi nhuận trong năm 2025?

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguyễn Thị Thu Hương

Chủ nhật, 11/05/2025 07:33

Lợi nhuận ngân hàng khởi sắc đầu năm 2025, song nhiều ngân hàng nhỏ vấn đối mặt với nguy cơ "hụt hơi" khi cạnh tranh gia tăng, nợ xấu leo thang và áp lực từ môi trường vĩ mô đè nặng.

Trong quý I/2025, mặc dù nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, nhưng hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn ghi nhận sự phục hồi tích cực. Nhờ vào khả năng kiểm soát tốt chi phí và linh hoạt trong hoạt động tín dụng, nhiều ngân hàng đã đạt được mức lợi nhuận tăng trưởng mạnh, làm sáng lên bức tranh tài chính của ngành.

SeABank tiến vào top 10 lợi nhuận

Ba tháng đầu năm 2025, lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đã tăng khoảng 14,5% so với cùng kỳ năm trước lên hơn 82.500 tỷ đồng. Ngoài 5 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm là OCB (giảm 27%), PGbank (giảm 17%), VIB (giảm 12%), Techcombank (giảm 7%) và ACB giảm 6% thì các ngân hàng còn lại đều ghi nhận mức tăng trưởng dương về lợi nhuận.

Kỳ này, SeABank đã tiến vào bảng xếp hạng top 10 lợi nhuận ngân hàng với mức lợi nhuận tăng mạnh gấp 2,9 lần cùng kỳ lên 4.350 tỷ đồng. Thay thế cho vị trí của một ngân hàng khác là LPBank.

Đứng đầu bảng xếp hạng vẫn là cái tên quen thuộc, ông lớn quốc doanh Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 10.859 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chi phí hoạt động tăng 11%, Vietcombank vẫn duy trì đà tăng trưởng nhờ vào việc giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro.

Theo sát sau Vietcombank là MB với lợi nhuận 8.386 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với cùng kỳ, vượt qua cả 2 Big4 khác là BIDV và VietinBank. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa qua, ông Phạm Như Ánh - CEO MB chỉ ra con số tăng trưởng trên đến từ sự tăng trưởng đồng đều của tất cả các mảng hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, quý I năm trước đó là thời điểm khó khăn nhất của ngành tài chính ngân hàng, còn từ quý II/2024 đến nay, tình hình kinh doanh đã khởi sắc hơn.

Dù lợi nhuận chỉ tăng thêm 0,3 điểm % so với quý trước, BIDV vẫn đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng lợi nhuận với mức lãi trước thuế 7.413 tỷ đồng.

Kỳ này, lợi nhuận của Techcombank đã giảm 7% so với cùng kỳ xuống 7.236 tỷ đồng, tụt xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng. Ngay sau đó là VietinBank với lợi nhuận đạt 6.582 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ.

HDBank đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng với lợi nhuận trước thuế 5.355 tỷ đồng. Các vị trí còn lại chốt bảng xếp hạng lần lượt là VPBank, ACB, SHB và SeABank với mức lợi nhuận lần lượt là 5.015 tỷ đồng, 4.600 tỷ đồng, 4.400 tỷ đồng và 4.350 tỷ đồng.

Ngân hàng nhỏ có phần "hụt hơi" lợi nhuận

Nhận định về xu hướng lợi nhuận ngân hàng trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Tp.HCM nhận định, trước đó trong năm 2024, ảnh hưởng từ nợ xấu tăng nhanh và hoạt động tín dụng phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.

Tuy nhiên tổng thể, lợi nhuận ngân hàng vẫn sẽ có xu hướng tăng, nhưng có sự phân hóa. Các ngân hàng lớn vẫn sẽ ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng khả quan.

Dù vậy, ngân hàng nhỏ có phần "hụt hơi" bởi dù tỉ lệ nợ xấu tăng cao là câu chuyện của cả hệ thống, nhưng ngân hàng nhỏ có khả năng chống chịu, sức đề kháng yếu hơn so với các ngân hàng lớn, nên của để dành không nhiều, bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán MBS, lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước nhờ tín dụng đã bắt đầu tăng tốc ngay từ đầu năm.

Ngân hàng liệu có

Lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo tăng trưởng khoảng 15% năm 2025.

Theo bà Đỗ Minh Trang - Giám đốc phòng phân tích ACBS, ngành ngân hàng tiếp tục thể hiện sức chống chịu tốt trước những sức ép đến từ biến động vĩ mô quốc tế, cũng như nền kinh tế trong nước chịu tác động lớn từ cuộc khủng hoảng BĐS và TPDN năm 2022-23.

ACBS dự báo lợi nhuận trước thuế 2025 của các ngân hàng sẽ tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ, chậm lại đôi chút so với mức tăng trưởng 16,2% dự kiến của năm 2024.

Nhóm ngân hàng có tỉ trọng cho vay bán lẻ cao sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn so với trung bình ngành nhờ sự phục hồi của cầu tiêu dùng trong năm nay.

Trong bối cảnh các ngân hàng đều chịu nhiều áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ môi trường vĩ mô, bao gồm cả những ảnh hưởng tiềm ẩn của thuế quan Mỹ, để tối ưu hóa lợi nhuận, PGS.TS Nguyễn Minh Phương - Phó trưởng Bộ môn Kế toán Ngân hàng, Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng chỉ ra các đơn vị cần chủ động, linh hoạt để ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Theo đó, các ngân hàng cần rà soát nguồn lực, cần thực hiện quản trị rủi ro tín dụng chặt chẽ, bài bản trước, trong và sau khi cho vay một cách thận trọng nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, ảnh hưởng không tốt đến lợi nhuận của ngân hàng.

Đa dạng hóa các nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào thu lãi cho vay, gia tăng các nguồn thu phi tín dụng, nâng cao trải nghiệm của khách hàng phổ thông.

Trước bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, các ngân hàng cần nắm bắt ứng dụng các công nghệ mới vào tự động hóa quy trình công việc, cung ứng sản phẩm số để nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng trưởng nguồn thu dịch vụ và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.

Đặc biệt, khi chính sách thuế của Mỹ được dự báo có tác động ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, các ngân hàng cần rà soát, một mặt nghiên cứu tái cơ cấu danh mục tín dụng, xem xét tỉ trọng cho vay các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, đồng thời dịch chuyển sang nhóm khách hàng ít bị ảnh hưởng hoặc được hưởng lợi khi chính sách thương mại và thuế quan thay đổi.

Mặt khác tư vấn và đồng hành với các khách hàng xuất khẩu để nghiên cứu mở rộng thị trường sang các nước, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.