Trong số những ngành học kinh tế truyền thống, Tài chính – ngân hàng vẫn giữ được sức hút ổn định nhờ tính ứng dụng cao, cơ hội nghề nghiệp rộng mở và tiềm năng phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Đây cũng là một trong những nhóm ngành có tỉ lệ thí sinh đăng ký nguyện vọng nhiều nhất nhiều năm trở lại đây.
Hiện ngành học này không chỉ dừng lại với những chương trình đào tạo truyền thống. Đáp ứng sự xuất hiện của dịch vụ ngân hàng số, ví điện tử, thị trường tài chính phi truyền thống, ngành Công nghệ tài chính (Fintech) đã được ra đời với nhiều nội dung học tập hấp dẫn cho thí sinh lựa chọn.
Giá trị ngành Fintech Việt Nam đạt khoảng 16,9 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự báo đạt 14,20% trong giai đoạn 2025-2033. Cùng với đó, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia đã xác định Fintech là lĩnh vực trụ cột, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống tài chính hiện đại và thúc đẩy phổ cập tài chính.
PGS.TS Lê Thanh Phương – Phó Trưởng khoa Kế toán và Kinh doanh, Trường Đại học Thủy lợi cho biết ngành Công nghệ tài chính được hiểu đơn giản là tích hợp công nghệ vào lĩnh vực tài chính, phù hợp với bối cảnh phát triển khoa học công nghệ hiện nay.
"Chương trình Công nghệ tài chính được đào tạo trong 4 năm với 8 kỳ học, với nội dung chương trình mang tính ứng dụng, vì vậy, sinh viên sẽ phải trải qua các học phần liên quan đến công nghệ như trí tuệ nhân tạo trong tài chính, Blockchain trong tài chính", ông Lê Thanh Phương thông tin.

Gần đây, Chính phủ cho phép thử nghiệm nhiều giải pháp công nghệ tài chính trong kiểm soát lĩnh vực ngân hàng. Điều này tạo cơ hội phát triển nhân lực ngành này.
Dự kiến chỉ tiêu ngành này tại Trường Đại học Thủy lợi là 60 em, đại diện nhà trường phân tích qua số liệu tuyển sinh nhiều năm, do đây thuộc nhóm ngành học có nhiều thí sinh quan tâm, vì vậy điểm chuẩn trung bình mỗi môn thi phải từ 7,5 điểm trở lên các em mới có cơ hội xét tuyển ngành này.
Trước băn khoăn, chưa có nền tảng kiến thức, không giỏi về công nghệ ở bậc THPT có theo học được ngành này không, ông Lê Thanh Phương nhấn mạnh: "Chương trình đào tạo tập trung ứng dụng công nghệ số trong tài chính, điều này có nghĩa kiến thức chuyên môn là ngành Tài chính – ngân hàng. Sẽ không có nhiều nội dung đào tạo liên quan đến lập trình, thuật toán, thiết kế phần mềm giống ngành Công nghệ thông tin. Vì vậy, thí sinh không cần quá lo lắng không giỏi công nghệ thì không theo học được".
Là đơn vị cung cấp các giải pháp công nghệ tài chính cho doanh nghiệp, ông Đào Lê Hải - Tổng Giám đốc CTCP dịch vụ IERP nhìn nhận với tốc độ tăng trưởng ngành các tăng của ngành Fintech là cơ hội rộng mở cho các em sinh viên ưa thích, quan tâm đến ngành học này.
Phân tích rõ hơn về định hướng nghề nghiệp ông Hải cho biết: "Công nghệ tài chính sẽ gồm 2 nhóm, một nhóm có chuyên môn nghiệp vụ tài chính, tư duy các sản phẩm; nhóm thứ 2 chuyên về công nghệ như các lập trình viên hiện thực hóa ý tưởng của nhóm 1".
Theo đại diện doanh nghiệp đối với những học sinh định hướng theo lĩnh vực nghiệp vụ tài chính hoặc mong muốn tham gia vào các vị trí thiết kế, cải tiến sản phẩm, việc chủ động rèn luyện tư duy thực tiễn là vô cùng cần thiết.

Tài chính là lĩnh vực hấp dẫn cho thí sinh lựa chọn.
Các em nên thường xuyên trải nghiệm những ứng dụng tài chính phổ biến hiện nay như MoMo, ZaloPay… Không chỉ đơn thuần là sử dụng, mà quan trọng hơn là biết đặt ra câu hỏi: "Tôi mong đợi điều gì hơn ở sản phẩm này? Làm sao để nó tiện ích và thân thiện hơn với người dùng?". Chính quá trình suy nghĩ và phản biện như vậy sẽ giúp các em hình thành tư duy thiết kế sản phẩm và cải tiến dịch vụ, đây đều là những năng lực cốt lõi trong sự phát triển nghề nghiệp sau này.
Đối với những bạn quan tâm đến các vị trí như marketing phát triển thị trường hay phân tích dữ liệu, việc thành thạo các công cụ hỗ trợ trực quan hóa thông tin là kỹ năng không thể thiếu. Sinh viên nên chủ động làm quen và thực hành với các phần mềm tạo biểu đồ, báo cáo phân tích số liệu, đây chính là bước đệm quan trọng giúp các em rèn luyện tư duy phân tích, nắm bắt xu hướng thị trường và ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Ngược lại, ngoài Fintech các em sinh viên vẫn có thể đăng ký nguyện vọng ngành Tài chính – ngân hàng để có thêm cơ hội trúng tuyển.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Hoàng Xuân Quế – Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Sau khi học kiến thức tổng quát, các nội dung chuyên sâu như phân tích tài chính doanh nghiệp, đầu tư tài chính, quản lý danh mục đầu tư, quản trị rủi ro, ngân hàng thương mại, tài chính công, quản lý thuế, thị trường chứng khoán là những học phần bắt buộc sinh viên phải nằm nắm chắc".
Với nội dung học tập tương đối khó, điểm chuẩn ngành này sẽ dao động từ 27-28 điểm, vì vậy, ông Quế cho rằng học sinh cần có chiến lược ôn tập, đăng ký nguyện vọng phù hợp để có kết quả tốt nhất. Cùng với đó, do được trang bị kiến thức rất rộng, nên sinh viên sẽ không cần phải lo lắng khi chọn ngành này nếu các em nghiêm túc học tập.