Tổng cục Thuế vừa công bố 10 sự kiện nổi bật ngành Thuế năm 2021 với nhiều sự kiện đáng chú ý. Trong đó, đứng đầu là sự kiện "Nỗ lực hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19".
Kết quả thu NSNN ấn tượng này đã góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn về tài chính ngân sách. Đây là nỗ lực vượt bậc, thể hiện quyết tâm của ngành Thuế trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách.
1. Nỗ lực hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 và bão lũ liên tiếp ở miền Trung, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính; sự nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và sự phấn đấu, quyết tâm cao của toàn thể CBCC, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) do ngành thuế quản lý hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng. Theo báo cáo ước thu năm 2021 của các Cục Thuế, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2021; có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.
Kết quả này đã góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn về tài chính ngân sách. Đây là nỗ lực vượt bậc, thể hiện quyết tâm của ngành thuế trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách.
2. Hoàn thành xây dựng Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030
Với những kết quả mà ngành thuế đã đạt được khi thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030 đề ra mục tiêu tạo nguồn lực phục vụ các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo đó, hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện theo hướng: mở rộng cơ sở thuế; huy động hợp lý nguồn lực cho NSNN, đảm bảo tính đồng bộ, công bằng, trung lập của chính sách thuế; đơn giản, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Các chính sách thuế chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế và được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính nhất quán về hiệu lực pháp lý giữa các luật thuế và các văn bản pháp luật có liên quan; tiếp tục hoàn thiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của người dân và doanh nghiệp; xây dựng cơ quan thuế Việt Nam hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, đủ năng lực nhằm thực hiện và quản lý tốt các mục tiêu và nội dung cải cách hệ thống thuế đã đề ra.
3. Hoàn thiện hành lang pháp lý đưa Luật Quản lý thuế vào cuộc sống
Trong năm 2021, việc ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC, Thông tư 40/2021/TT-BTC, Thông tư 45/2021/TT-BTC, Thông tư 85/2021/TT-BTC, đặc biệt là Thông tư 78/2021/TT-BTC và Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã giúp hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Đây là văn bản quan trọng hướng dẫn cụ thể, chi tiết các nội dung liên quan đến hóa đơn điện tử, đến tất cả các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch và góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.
4. Triển khai thành công hóa đơn điện tử giai đoạn I, tạo đà vững chắc để tiến tới phủ sóng toàn quốc
Quyết tâm triển khai thành công hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định tại Nghị định số 123/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, tạo tiền đề vững chắc cho việc áp dụng HĐĐT bắt buộc từ tháng 7/2022 trên toàn quốc, trong năm 2021, ngành thuế đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tổ chức, hạ tầng kỹ thuật công nghệ và lộ trình triển khai cụ thể, rõ ràng.
Trong đó, với số lượng hóa đơn giao dịch chiếm 60-70% cả nước, việc triển khai thành công hệ thống HĐĐT giai đoạn I tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định từ tháng 11/2021 không chỉ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh và cơ quan thuế, mà còn là tiền đề quan trọng thúc đẩy triển khai mở rộng giai đoạn II từ tháng 4 đến tháng 7/2022 tại 57 tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước.
5. Bước tiến về chuyển đổi số và hiện đại hóa công tác thuế
Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thuế theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021, cùng với việc triển khai thành công thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia; thực hiện Đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, ngành thuế đã triển khai thành công ứng dụng Thuế điện tử dành cho thiết bị di động (eTax mobile).
Trong đó, với những ưu điểm vượt trội về tích hợp nhiều loại hình dịch vụ, các tính năng tiện ích hỗ trợ (như: đăng ký tài khoản; tra cứu nghĩa vụ thuế; tra cứu thông báo xử lý hồ sơ; thông báo lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; tra cứu hồ sơ khai thuế; hồ sơ quyết toán thuế; hồ sơ đăng ký thuế; lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; thông tin người phụ thuộc, người nộp thuế...), ứng dụng eTax Mobile đã góp phần hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục hành chính thuế và tiếp cận, nắm bắt thông tin về nghĩa vụ thuế, chính sách thuế một cách nhanh chóng, thuận lợi; tạo sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan thuế với người nộp thuế.
6. Thực thi kịp thời các giải pháp về thuế hỗ trợ người nộp thuế vượt qua đại dịch COVID-19
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch COVID-19 phù hợp với bối cảnh điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2021, Tổng cục Thuế đã chủ động đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Theo đó, đến này 31/10/2021, cơ quan thuế đã thực hiện gia hạn cho hơn 139.000 người nộp thuế với tổng số thuế đã gia hạn khoảng 78.840 tỷ đồng.
Đồng thời, toàn ngành đã tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 được các cấp có thẩm quyền ban hành, như Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của UBTVQH và Nghị định 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; Quyết định 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 về việc giảm tiền thuế đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Thông tư 47/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc tiếp tục miễn, giảm đến ngày 31/12/2021 đối với 30 loại phí, lệ phí trong các lĩnh vực chứng khoán, vận tải hành khách, hàng không...
Việc thực hiện kịp thời các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
7. Nâng cấp hoàn thiện cơ cấu tổ chức các Vụ/đơn vị thuộc Tổng cục Thuế
Triển khai Chiến lược cải cách hiện đại hóa ngành và tăng cường công tác quản lý thuế, trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế.
Theo đó, 3 đơn vị đã được Tổng cục Thuế tổ chức lại, nâng cấp từ Vụ thành Cục là Cục Thuế doanh nghiệp lớn; Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế; Cục Kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng). Đồng thời, bổ sung chức năng, tăng cường nhiệm vụ nhằm nâng cao quản lý hoạt động thương mại điện tử, đẩy mạnh hiện đại hóa, chuyển đổi số trong ngành.
Đây cũng là cơ sở pháp lý để công tác quản lý thuế tiếp tục được nâng lên một bước, tập trung quản lý thống nhất từ trung ương, góp phần nâng cao năng lực hiệu quả quản lý thuế, đặc biệt đối với quản lý thuế doanh nghiệp lớn; đồng thời tăng cường kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của cơ quan thuế các cấp; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
8. Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro xuyên suốt trong mọi chức năng, nhiệm vụ quản lý thuế
Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh thực hiện quản lý rủi ro trong lĩnh vực thuế, trong năm qua, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Đây được xem là công cụ hữu hiệu giúp cơ quan thuế thực hiện quản lý rủi ro trong các chức năng, nghiệp vụ quản lý từ đăng ký thuế; khai thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ và các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế khác trên nền tảng tự động hóa và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phân tích rủi ro.
Áp dụng cơ chế quản lý thuế theo rủi ro còn giúp cơ quan thuế phân luồng người nộp thuế theo hành vi để có biện pháp hỗ trợ, kiểm soát, xử lý tương ứng, góp phần giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế, giúp cơ quan quản lý phân bổ nguồn lực hợp lý. Qua đó, cơ quan thuế đạt được mục tiêu công khai, minh bạch trong quản lý thuế, tăng cường hỗ trợ để nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.
9. Đổi mới toàn diện phương thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế theo hình thức trực tuyến
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên tuyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, năm 2021, ngành thuế đã đổi mới phương thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế theo phương thức trực tuyến. Theo đó, toàn Ngành đã tăng cường đẩy mạnh hỗ trợ thông qua các ứng dụng gửi tin nhắn sms, thư điện tử, zalo, gửi email, hướng dẫn trên website, facebook, fanpage của cơ quan thuế các cấp; đặc biệt là hình thức giao lưu, đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử; hỗ trợ trực tuyến qua 479 kênh thông tin của ngành thuế.
Đây được xem là bước tiến mới và thiết thực, không chỉ khẳng định sự đồng hành của ngành thuế với người nộp thuế, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
10. Đồng bộ trang phục và thiết bị công nghệ trong thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao hình ảnh ngành thuế Việt Nam “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”
Sau gần 10 năm từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 15/4/2013 về phù hiệu, cấp hiệu, trang phục và biển hiệu công chức, viên chức ngành thuế, năm 2021 ngành thuế đã chính thức hoàn thành trang bị đồng bộ trang phục cho công chức, viên chức toàn ngành sử dụng trong quá trình thực thi công vụ. Đồng thời, hưởng ứng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, ngành thuế đã đẩy mạnh ứng dụng thiết bị hiện đại, hệ thống công nghệ thông tin 4.0 để từng bước thực hiện chuyển đổi số.
Trong đó, đã trang bị và ứng dụng hiệu quả Hội nghị trực tuyến trong thực thi công vụ từ cấp trung ương tới cấp địa phương giúp kết nối các cuộc họp trực tuyến giữa cơ quan Tổng cục Thuế; 63 Cục Thuế và toàn bộ 415 Chi cục Thuế; kết nối với các hệ thống họp trực tuyến của Bộ Tài chính và hệ thống Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và thực hiện các cuộc họp chuyên môn với các nước trên thế giới... Ứng dụng Hội nghị trực tuyến đã giúp ngành thuế tiết kiệm chi phí hội họp, công tác phí, chi thường xuyên. Cán bộ, công chức cũng dần thích ứng với môi trường công nghệ.
Đây cũng là phương thức đảm bảo việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu quả, kịp thời của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở trong công tác triển khai phòng chống dịch, giúp ngành thuế hoàn thành nhiệm vụ.