Xu hướng tất yếu trong thời đại số hóa
Người Đưa Tin: Ông đánh giá như thế nào về vai trò công nghệ số hóa nói chung và ngành Trí tuệ nhân tạo hiện nay đối với thị trường lao động?
Ông Trần Anh Tuấn: Trên toàn cầu và tại Việt Nam, mô hình tăng trưởng đang dần chuyển đổi theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Điều này đòi hỏi lực lượng lao động không chỉ nâng cao kỹ năng kỹ thuật mà còn phát triển kỹ năng xúc cảm xã hội.
Đặc biệt, kỹ năng số (bao gồm khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ số, kiến thức và thói quen làm việc trong môi trường số) ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong bối cảnh công việc liên tục thay đổi. Xu hướng này xuất phát từ sự dịch chuyển của thời kỳ chuyển đổi số và sẽ trở thành động lực chính trong thời đại số hóa. Bên cạnh đó, Trí tuệ nhân tạo cũng đóng vai trò then chốt trong sự phát triển này.
Hiện nay và trong tương lai, các tổ chức kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đều có nhu cầu cao về nguồn nhân lực chất lượng, ưu tiên tuyển chọn những cá nhân có chuyên môn, tay nghề vững vàng nhằm ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất và chất lượng công việc.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Tp.HCM, (Ảnh: Nguyễn Lành).
Người Đưa Tin: Theo ông, người học cần những tố chất gì để học hiệu quả về ngành Trí tuệ nhân tạo?
Ông Trần Anh Tuấn: Cùng với sự phát triển và ngày càng phổ biến của trí tuệ nhân tạo, sẽ có những ngành nghề dần biến mất và đồng thời nhiều công việc mới sẽ ra đời. Những công việc yêu cầu độ chính xác cao, thao tác giản đơn, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn, có thể tính toán dựa trên việc hệ thống hóa... sẽ là những ngành nghề có nhiều khả năng biến mất.
Trong tương lai, đòi hỏi một nguồn nhân lực trình độ cao, tương tác được với robot trong quá trình làm việc, đảm nhận những việc robot không làm được. Chẳng hạn, trong công việc thiết kế, robot có thể làm phần thiết kế chung, nhưng không thể làm được phần sáng tạo. Như vậy, thị trường lao động cần tăng nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự thành công trong thị trường lao động đòi hỏi học sinh biết chọn ngành học và hệ đào tạo phù hợp để xây dựng được giá trị, kỹ năng, năng lực làm việc, đặc biệt là tư duy sáng tạo không ngừng trong thi trường lao động rộng mở hiện nay, mức độ di chuyển nghề nghiệp của rất nhiều.
Để học và thành công trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, những nguyên lý chung định hường người học và làm việc cần phải có những tố chất sau: (1) Sáng tạo: trong tư duy. ; (2) Khả năng tư duy logic và phân tích ; (3)Khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm ; (4) rèn luyện thêm các kỹ năng mềm để hỗ trợ giải quyết các vấn đề như: Khả năng xử lý vấn đề thực tế, gỡ lỗi, thao tác với dữ liệu hay cấu trúc dữ liệu mới. Nắm vững kỹ năng nhận thức trong AI như thu thập dữ liệu, chuyển dữ liệu, suy luận logic, ra quyết định, xử lý và sửa đổi thông tin, nâng cao kết quả (5). Khả năng giao tiếp Anh ngữ hoặc nhiều ngoại ngữ...
Kết hợp lý thuyết và thực tiễn để nâng cao hiệu quả học tập
Người Đưa Tin: Khi người học chọn ngành trí tuệ nhân tạo để theo đuổi đam mê, cơ sở đào tạo cần thực hiện những gì để giúp họ đạt hiệu quả tối đa, thưa ông?
Ông Trần Anh Tuấn: Cơ sở đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả đầu ra cho người học. Các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần hoàn thiện mô hình tổ chức, quản trị và hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu, đầu tư hạ tầng, công nghệ và trang thiết bị hiện đại.
Công cụ đào tạo nhân sự công nghệ số phải hiệu quả, bao gồm chương trình học, nền tảng trực tuyến và các chứng chỉ. Hệ thống mô phỏng tích hợp công nghệ mới sẽ là công cụ sản xuất chủ yếu, với dữ liệu và thông tin ngày càng có giá trị.
Giáo dục đại học và nghề nghiệp cần kết hợp học tập với trải nghiệm, giúp người học khám phá, thử nghiệm, hình thành kiến thức và phát huy tính chủ động, sáng tạo.

Chọn ngành học đúng khi ngồi trên ghế nhà trường sẽ quyết định tương lai tốt, (Ảnh: A.T).
Trải nghiệm và sáng tạo trong giáo dục đại học và nghề nghiệp được thể hiện qua phương pháp giảng dạy mới, ứng dụng công nghệ và trang thiết bị hiện đại.
Bên cạnh kiến thức lý thuyết, người học còn tham gia thực hành, rèn luyện kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Chứng chỉ nghề giúp thúc đẩy việc học tập liên tục, nâng cao trình độ và cập nhật công nghệ mới trong chuyên môn.
Người Đưa Tin: Là chuyên gia hàng đầu trong việc tư vấn, hướng nghiệp, dự báo nguồn nhân lực, ông có lời khuyên gì cho người học khi họ chọn ngành AI?
Ông Trần Anh Tuấn: Cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cho sinh viên, học sinh và người lao động về sự thay đổi nhanh chóng của xã hội trong kỷ nguyên số, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập liên tục. Một số kỹ năng thuộc về công nghệ, số còn lại là kỹ năng mềm.
Trong thời đại chuyển đổi số, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng phức tạp, đòi hỏi chuyên môn ở nhiều cấp độ. Vì vậy, người học trí tuệ nhân tạo hay bất kỳ ngành nghề nào cần nỗ lực rèn luyện để hoàn thiện năng lực, giúp họ tham gia thị trường lao động hiệu quả và mở rộng cơ hội phát triển.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Lành