Ngành vận tải 2022: Liều thuốc nào cho “người mới ốm dậy”?

Ngành vận tải 2022: Liều thuốc nào cho “người mới ốm dậy”?

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 3, 18/01/2022 15:08

Trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng tốc phục hồi, ngành vận tải sẽ nắm bắt cơ hội như thế nào để gượng dậy sau thời gian dài "ốm yếu"?

Năm 2020 và 2021 với một thời gian dài phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng đã khiến hầu hết doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải hành khách lao đao, kiệt sức. Tất cả như một bức tranh u ám đối với sự phát triển của ngành vận tải trong vòng xoáy của đại dịch.

Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng tốc phục hồi, ngành vận tải sẽ nắm bắt cơ hội như thế nào để gượng dậy sau thời gian dài "ốm yếu"?

Đề tìm hiểu rõ hơn về bức tranh của ngành vận tải năm 2021 và những dự báo trong năm 2022, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. 

Làm sao để có thể “giữ chân” anh em?

Người Đưa Tin (NĐT): Nhìn lại hai năm vừa qua, những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid - 19 đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn ngành vận tải. Xin ông cho biết những tác động cụ thể của đại dịch đến ‘sức khỏe’ của ngành vận tải?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Trong 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Vận tải ô tô là ngành mang tính xã hội hóa rất cao, chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh.

Về vận tải hàng hóa, chi phí tăng nhiều cho các biện pháp xét nghiệm theo định kỳ đối với lái xe, chi phí cho việc phải thuê lái xe dịch vụ điều khiển xe qua biên giới để giao hàng… Thời gian hoàn thành chuyến xe kéo dài; nhiều lúc hoạt động vận tải bị gián đoạn do các địa phương thực hiện các giải pháp phòng chống dịch không thống nhất với các giải pháp chung của Chính phủ và Bộ Y tế…

Trong vận tải hành khách thì trong một quãng thời gian rất dài hầu hết các tuyến vận tải liên tỉnh phải ngưng hoạt động; vận tải xe buýt, taxi, xe vận tải khách du lịch, vận tải khách theo hợp đồng hầu hết đều phải ngưng hoạt động.

Kể cả khi được hoạt động thì chỉ được chở dưới 50% số chỗ ngồi trên xe do nhu cầu đi lại rất thấp. Phần lớn các xe hoạt động thì thu không đủ bù đắp các chi phí trực tiếp cho chuyến xe như chi phí nhiên liệu, phí giao thông; lương lái phụ xe.

Thực tế rất nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động trong thời gian dài và cũng không ít doanh nghiệp bên bờ phá sản.

NĐT: Đối diện với cơn bão “Covid-19’, doanh nghiệp đã làm những gì để có thể tồn tại vượt qua khủng hoảng? Có giải pháp nào thực sự nổi bật và đem đến hiệu quả?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Các doanh nghiệp vận tải ô tô đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để vượt qua đại dịch.

Trong vận tải hàng hóa, các doanh nghiệp đã động viên anh em lái xe, chấp hành về các quy định phòng chống dịch, có những chuyến xe anh em phải thực hiện xét nghiệm 2 - 3 lần, có khi 2 tháng không về nhà, phải ăn nghỉ tại nơi tập trung của các doanh nghiệp.

Quá trình vận tải phương tiện phải chịu áp lực rất lớn về thời gian giao hàng trong khi phương tiện lưu thông bị dừng kiẻm tra trên đường rất nhiều lần nhưng anh em lái xe vẫn cố gắng khắc phục để vượt qua.

Trong vận tải hành khách, áp lực rất lớn mà các doanh nghiệp phải khắc phục là xe không hoạt động được, nợ đến hạn phải trả, làm sao để không rơi vào tình trạng phá sản, anh em lái xe nghỉ việc hàng năm trời làm sao để có thể “giữ chân” anh em cho bước hoạt động tiếp theo.

Mỗi doanh nghiệp đều phải có giải pháp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình.

Kinh tế vĩ mô - Ngành vận tải 2022: Liều thuốc nào cho “người mới ốm dậy”?

Phục hồi...nhưng chưa hết khổ

NĐT: Các doanh nghiệp đã bắt nhịp với đà hồi phục trong trạng thái bình thường mới trong những tháng cuối năm như thế nào? Thuận lợi và thách thức là gì?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Từ cuối tháng 9/2021, cùng với việc nâng cao tỉ lệ bao phủ vắc-xin và cơ bản kiểm soát dịch ở những tâm dịch nóng, vận tải hành khách đã được từng bước khôi phục để bước vào giai đoạn bình thường mới.

Các doanh nghiệp vận tải hành khách hồ hởi đón nhận Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19 của Chính phủ và Quyết định số 1812 của Bộ GTVT. Các địa phương cũng đã từng bước cho phép xe taxi, xe buýt, xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe vận tải khách du lịch được hoạt động trở lại với các điều kiện theo quy định.

Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất để phục hồi vận tải hành khách là nhu cầu đi lại vẫn rất thấp. Thực tế kể cả khi đã khôi phục vận tải nhưng nhiều tuyến vận tải khách cố định từ các tỉnh về Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ chỉ hoạt động được 5 - 10%, nhiều doanh nghiệp đưa xe ra hoạt động thời gian ngắn lại ngưng xe taxi, xe buýt hoạt động không quá 30%, tuy nhiên lượng khách vẫn rất ít.

Nói chung trong vận tải hành khách khó khăn thách thức vẫn còn ở phía trước.

NĐT: Giai đoạn phục hồi của ngành vận tải rơi đúng vào thời điểm giá nhiên liệu đang biến động mạnh. Việc giá nhiên liệu trong nước tăng kỷ lục khiến doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn hơn. Xin ông cho nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Trong vận tải ô tô, nhiên liệu luôn luôn chiếm tỷ trọng cao nhất với 35 - 40% trong giá thành vận tải. Giá nhiên liệu tăng đương nhiên tạo thêm áp lực, khó khăn cho vận tải ô tô.  Tuy nhiên, với vận tải hàng hóa, vào dịp cuối năm, khi nhu cầu vận tải hàng hóa cao, chủ hàng cũng dễ dàng chấp nhận việc giá cước biến động theo chiều hướng tăng; còn trong vận tải hành khách thì đây là một khó khăn kép khi mà nhu cầu đi lại còn chưa kịp phục hồi.

Kinh tế vĩ mô - Ngành vận tải 2022: Liều thuốc nào cho “người mới ốm dậy”? (Hình 2).

NĐT: Thực tế, Nhà nước đã có nhiều gói hỗ trợ đối với cộng đồng doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất và bắt nhịp với đà phục hồi. Đối với ngành vận tải, những gói hỗ trợ có thực sự có đến được với doanh nghiệp và phát huy được hiệu quả hay không?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động Thương binh xã hội đã ban hành Nghị Quyết, các Thông tư để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung, trong đó có ngành vận tải ô tô. Tuy nhiên mức độ thụ hưởng được các chính sách này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Đối với nhóm chính sách về cho phép kéo dài thời hạn kiểm định xe, giảm phí giao thông thu trên đầu phương tiện thì các đơn vị vận tải đã được thụ hưởng. Tuy nhiên, mức giảm phí thu trên đầu phương tiện là 30% đối với vận tải khách là quá thấp so với mức giảm hoạt động giảm số khách được chở trên xe và khó khăn mà các đơn vị vận tải khách phải đón nhận.

Về các chính sách, giảm 30% thuế VAT cho doanh nghiệp theo Nghị quyết của Quốc hội là tốt cho các doanh nghiệp, các đơn vị vận tải hàng hóa đã được thụ hưởng nhưng chỉ trong 2 tháng (01/11/2021- 31/12/2021) là quá ngắn so với ảnh hưởng của dịch bệnh; còn các doanh nghiệp vận tải khách thì hầu như phải dừng hoạt động nên không phát sinh VAT.

Về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, khi thực hiện mỗi địa phương lại triển khai theo cách khách nhau như; trong đó có các điều kiện như doanh nghiệp phải nộp hết số Bảo hiểm xã hội còn nợ nên nhiều doanh nghiệp vận tải không đủ điều kiện thụ hưởng vì còn nợ Bảo hiểm xã hội.

Kinh tế vĩ mô - Ngành vận tải 2022: Liều thuốc nào cho “người mới ốm dậy”? (Hình 3).

Liều thuốc nào cho “người mới ốm dậy”?

NĐT: Là một chuyên gia nhiều năm trong ngành, xin ông cho biết những đánh giá về bức tranh của ngành vận tải trong năm 2022? Điều gì doanh nghiệp cần chú ý để có thể nâng cao, tăng cường sức khỏe của mình sau thời gian dài ốm yếu.

Ông Nguyễn Văn Quyền: Đánh giá năm 2022, tôi cho rằng với các chủ trương quyết sách trong công tác phòng chống dịch của Chính phủ đã ban hành đặc biệt là kết quả và tiến độ tiêm vắc-xin đã đạt được, cho phép chúng ta tin tưởng tình hình kinh tế, xã hội của đất nước sẽ dần ổn định và có bước phát triển cao hơn năm 2021. Theo đó, nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao, nhu cầu vận tải hành khách sẽ từng bước phục hồi.

Đối với các doanh nghiệp, trước mắt các doanh nghiệp vận tải hành khách cần theo dõi sát diễn biến dịch và các chủ trương của Chính phủ về mở cửa du lịch; cho học sinh, sinh viên đến trường để dự báo nhu cầu đi lại; chuẩn bị điều kiện về phương tiện, người lái để đáp ứng khi có nhu cầu.

Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cần có giải pháp để thu hút lao động, khắc phục tình trạng thiếu lái xe tải hạng nặng đã phát sinh ở một số nơi; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, dự lường và có những phương án ứng phó nếu dịch có những diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, cần nghiên cứu đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong vận tải, phục vụ việc kết nối rộng rãi giữa vận tải với hành khách.

Có thể tham khảo kinh nghiệm mô hình “bong bóng” du lịch của ngành du lịch để vận dụng vào vận tải khách theo hợp đồng, vận tải taxi; kinh nghiệm của các doanh nghiệp có kết nối giữa vận tải khách với mô hình thương mại điện tử để vận dụng đa dạng hình thức phục vụ, kinh doanh để cố gắng vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi trong năm 2022.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.