Biệt danh chẳng giống ai
Hẹn gặp được họa sĩ Nguyễn Văn Cường tại phòng tranh của anh ở TP.Hà Nội không hề dễ, vì anh luôn bận bịu, lúc thì bận vẽ, lúc bận đi tìm chất liệu sáng tác. Sau nhiều ngày chờ đợi, tôi được đến nhà anh trong 1 buổi chiều cuối đông. Nghe tiếng chuông cửa, họa sĩ Nguyễn Văn Cường nhanh chân chạy xuống cùng đôi tay bê bết màu xanh đỏ vui vẻ mời khách vào nhà.
Leo lên ghế, bò xuống sàn, loay hoay bên các khung tranh lớn nhỏ đủ cỡ, họa sĩ Cường lôi từng xấp tranh mới cũ ra khoe với khách. Khắp các căn phòng rộng của anh, đâu đâu cũng thấy tranh, treo trên tường, xếp trên gác tủ hoặc đặt cạnh lối đi. Sơn mài có, khắc gỗ có, khắc ván có nhưng điểm chung đều có hình bóng những con trâu trong đó, dù đó là hình ảnh cách điệu hay hiện thực.
Họa sĩ Nguyễn Văn Cường sinh năm 1962 tại Hà Nội. Dù là chàng trai phố “xịn” nhưng anh đã được sống trọn vẹn trong tính trữ tình, nên thơ của ngôi làng Việt ở miền trung du. Chính vì vậy, những kí ức tuổi thơ đó đã ảnh hưởng rất nhiều trong những sáng tác của anh sau này.
“Tôi sinh ra tại Hà Nội, nhưng tuổi thơ của tôi gắn bó với làng mạc của tỉnh Thái Nguyên khi về đó sơ tán. Thời gian ở đây, hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình mang hình hài thật thú vị. Những buổi chiều cùng bạn bè đồng trang lứa đi chăn trâu cắt cỏ, chơi những trò chơi dân gian đã in đậm trong tâm trí tôi. Chính vì vậy, tôi đam mê vẽ tranh trâu, trẻ nhỏ và phong cảnh làng quê, rồi gắn với nó như một cái nghiệp của người nghệ sĩ", họa sĩ Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
Cũng chính thời gian này, anh đã gặp người thầy dạy vẽ đầu tiên trong đời. Đó là ông Trần Quang Vấn, một người gốc Thái Lan, lưu lạc sang Việt Nam. Các tác phẩm của ông là những hòn non bộ sơn thủy hữu tình, non sông gấm vóc thật sinh động đã cuốn hút tâm hồn đa cảm của cậu bé Cường.
“Thế là tôi hăm hở tìm đất sét, rồi nặn, phơi, tô màu… Thời gian cứ thế trôi cho đến khi Hiệp định Paris được ký kết, khi gia đình tôi trở về Hà Nội và tôi may mắn được tham gia học vẽ ở câu lạc bộ thiếu nhi. Sau đó, tôi theo đuổi và tốt nghiệp khoa đồ họa trường đại học Mỹ thuật Việt Nam”, họa sĩ Cường nhớ lại.
Quyết đi theo nghề vẽ, họa sĩ Nguyễn Văn Cường khởi đầu với tranh đồ họa. Anh bắt đầu được biết đến nhiều hơn khi dấn thân vào lĩnh vực hội họa với những bức sơn dầu vẽ trâu và đồng quê. Yêu con vật gắn bó với người nông dân tới mức, anh đã vẽ về nó với đầy đủ các sắc thái, trạng thái khác nhau. Không chỉ là sắc thái, họa sĩ Nguyễn Văn Cường còn kiên trì theo đuổi đề tài này bằng việc đi tìm các hình thức thể hiện mới từ tả thực, trừu tượng, siêu thực, từ sơn dầu, sơn mài đến khắc gỗ. Với hơn 30 năm trong nghề, Nguyễn Văn Cường được bè bạn và giới hội họa gọi là “Cường trâu” chỉ bởi anh là 1 trong những họa sĩ vẽ nhiều và thành công nhất với hình tượng con trâu của làng quê Việt.
Lý giải về sở thích vẽ trâu, họa sĩ Nguyễn Văn Cường bật cười chia sẻ: “Ở đất nước Việt Nam thuần nông đã nghìn năm, con trâu là gia súc thân thuộc bậc nhất của người nông dân, thậm chí “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là mơ ước “ruộng sâu, trâu nái” của nhà nông nên không lạ khi trâu là đối tượng nghệ thuật tạo hình của người Việt từ cổ chí kim.
Nói thực là tôi yêu quý con trâu, rất yêu quý nó, gắn bó với nó từ thuở còn thơ dại. Tính đến nay, tôi vẽ trâu đã ngót hơn 30 năm. Rất nhiều họa sĩ đã khai thác đề tài này. Song, theo đuổi đến được tận cùng thì hơi hiếm. Trong lịch sử dân tộc, từng có chú bé chăn trâu đã làm nên nghiệp vương.
Lần triển lãm “Trâu đỏ” của tôi, có ai đó tặng câu thơ: “Bao chú bé chăn trâu ngày ấy/Nay vẫn hiên ngang giữa cõi đời…”. Thế mới biết con trâu gắn bó với con người biết bao. Tôi chọn hình tượng con trâu cho một triển lãm cá nhân của mình bởi nhìn ở góc độ tạo hình, trâu là con vật gần gũi nhất, đẹp nhất, hiền lành nhất, song cũng đầy sức mạnh. Trẻ em chơi với nó, tắm cho nó, cưỡi nó đi học, thậm chí dựa vào nó để ngủ, để tránh mưa nắng. Nhìn hình ảnh con người gắn bó với nó bình yên đến lạ”.
Mơ về ký ức làng quê
Xem tranh của “Cường trâu”, nhiều người có thể nhận thấy cảnh sinh hoạt của một miền quê hiện rõ như đang diễn ra trước mắt với những tư thế, hình dáng của con sông quê, lũy tre làng, những đứa trẻ trên lưng trâu, cánh diều no gió hay những cánh đồng bất tận. Những khung cảnh ấy hiện lên một cách lãng mạn và thơ mộng xen lẫn hoài niệm nhớ thương.
Với bảng màu và bút vẽ, anh dần vẽ lại những ký ức tuổi thơ in đậm trong tâm trí mình thành những bức tranh mang phong cách rất riêng về nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Khi xem tranh của anh, người xem bất giác mỉm cười hay chìm đắm trong những hoài niệm của một thời đã qua, để rồi ai cũng muốn một lần được lên chuyến tàu thời gian quay về tuổi thơ.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Cường luôn mang đến sự bình yên, ấm áp đến lạ cho người xem. Thậm chí ngay cả khi anh vẽ ánh mắt nhức nhối của con trâu, lột tả sự điên loạn, tranh của anh vẫn thể hiện sự dịu dàng với cuộc sống xung quanh. Anh đánh thức những ký ức tưởng chừng như đã ngủ quên của người xem bằng những nét vẽ ngọt ngào và trong trẻo.
“Mọi người vẫn thường trêu tôi là người phố nhớ quê. Dù sống giữa chốn phồn hoa đô thị nhưng tôi vẫn không nguôi nhung nhớ hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình mà tuổi thơ tôi từng gắn bó. Vì thế tôi cũng vẫn thường có những chuyến trở đi trở lại ngôi làng để tìm kiếm chất liệu sáng tác, để làm giàu ký ức về làng quê Việt thời đổi mới. Giờ đây, cảnh vật và con người có thể thay đổi, nhưng sự đồng điệu và nỗi nhớ làng quê là thứ tồn tại mãi mãi”, họa sĩ Cường chia sẻ.