Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, chiều 7/12, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành phiên thảo luận tổ.
Tại phiên thảo luận, ý kiến các đại biểu đồng tình về những kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021, đồng thời trao đổi, nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm cần quan tâm trong năm 2022.
Đối với tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá những kết quả đạt được; ảnh hưởng, tác động của đại dịch Covid-19 đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đời sống nhân dân. Các giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh; việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng chục nghìn lao động của Nghệ An từ vùng dịch trở về quê nhà. Thực tế đặt ra nhiều vấn đề về giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và quan trọng hơn là có các giải pháp để tận dụng nguồn lao động dồi dào này.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị bầu cử Tx.Cửa Lò bày tỏ trăn trở đối với vấn đề giải quyết việc làm cho lao động ngay trên chính quê hương Nghệ An.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi, thời gian tới, với nhịp độ phát triển kinh tế của tỉnh đang mở ra những cơ hội mới và có nhu cầu về lực lượng lao động. Đồng thời, cần thực hiện tốt giải pháp tuyên truyền, nhưng cách làm phải khác, đó là tuyên truyền cho lao động từ chính trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng; tuyên truyền thông qua phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt, giải pháp tuyên truyền hiệu quả nhất chính là bằng thực tiễn thông qua các dẫn chứng số liệu, nhu cầu lao động từ các KCN, nhà máy, các mô hình kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 có gần 100.000 người từ vùng dịch Covid-19 đã trở về địa phương. Trong đó có hơn 75.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm gần 80% trên tổng số công dân trở về quê. Qua rà soát nhu cầu việc làm lao động, có hơn 45.000 (có đăng ký với các huyện, xã) có nhu cầu giải quyết việc làm (chiếm gần 60% số lao động về quê). Trong đó có hơn 21.000 người có nguyện vọng làm việc trong tỉnh chiếm hơn 28%; có gần 21.000 người muốn đi làm việc ngoại tỉnh chiếm hơn 27%,…
Có hơn 30.000 người lao động muốn ở lại địa phương làm việc hoặc chưa sẵn sàng trở lại làm các công việc trước đây.
Cũng tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến các đại biểu đề cập đến các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; rà soát, thu hồi dự án chậm tiến độ; định hướng sản xuất nông nghiệp tại các huyện vùng ven để phục vụ thị trường Tp.Vinh một cách có hiệu quả hơn; giải quyết cán bộ dôi dư; việc chuyển đổi số để hướng tới kinh tế số, xã hội số, chính quyền số;…
Đại diện phía Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, ngay sau khi nắm bắt tình hình lao động hồi hương, phía Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án, giải quyết việc làm cho lao động. Bằng các chính sách, cơ chế, đề án đã đưa ra các giải pháp cụ thể. Hy vọng thời gian tới sẽ giải quyết được việc làm cho người lao động trên chính quê hương Nghệ An.