Hàng thịt lợn tại chợ đìu hiu khách mua
Những ngày gần đây, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại một số địa phương ở Nghệ An, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Ghi nhận tại nhiều chợ dân sinh như: Bến Thủy, Vinh, Hưng Dũng,… (Nghệ An), các quầy thịt lợn rơi vào tình trạng vắng khách, dù tiểu thương đã chủ động nhập hàng với số lượng ít hơn.
Bà Hương, tiểu thương ở chợ Bến Thuỷ, chia sẻ: "Lượng khách mua thời gian gần đây giảm tới 50% so với ngày thường. Dù tôi đã giảm lượng hàng nhập vào nhưng đến trưa thịt vẫn ế".
Bà Nguyễn Thị Loan, người có hơn 40 năm bán thịt tại chợ này, cho biết: "Trước đây, mỗi ngày tôi nhập khoảng 1 tạ thịt về bán hết sạch trong buổi sáng nhưng giờ chỉ dám lấy chưa đến một nửa mà vẫn ế. Có ngày đến 11h trưa mà thịt vẫn còn nhiều, dù hàng tôi nhập nơi uy tín, có giấy chứng nhận rõ ràng".

Các tiểu thương ngồi không vì vắng khách mua thịt.
Không chỉ riêng chợ Bến Thủy, tình trạng này còn diễn ra tại chợ Vinh, chợ đầu mối lớn nhất tỉnh Nghệ An. Theo ghi nhận, khu chợ thường ngày tấp nập người mua, người bán thịt lợn, giờ đây chỉ tập trung ở những quầy hàng bán thịt bò, thịt gà và hải sản. Các quầy kinh doanh thịt lợn luôn trong tình trạng vắng khách, thỉnh thoảng có khách ghé vào, nâng lên đặt xuống rồi đi.
Bà Lê Thị Hoa, tiểu thương tại chợ Vinh, nói: "Trước đây, tôi bán từ 6h đến 10h là gần hết hàng. Bây giờ, ngồi đến trưa vẫn bán chưa được nửa hàng. Nhiều lúc phải ngồi xem điện thoại cho đỡ buồn vì không có khách".
Theo tiểu thương này, giá thịt hiện vẫn ổn định, thậm chí rẻ hơn so với trước nhưng vẫn ế. Theo đó, loại thịt ngon ba chỉ bán ra 130.000 - 140.000 đồng/kg, thịt mông 120.000 - 130.000 đồng/kg.

Hàng thịt vẫn còn nhiều dù chợ sắp tan.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, một số người tiêu dùng bày tỏ lo lắng, dù biết bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. "Gia đình tôi trước đây ăn thịt lợn hằng ngày, nhưng giờ nghe tin dịch bệnh nên chuyển sang ăn thịt gà, bò, đậu hũ... Đợi đợt dịch qua rồi mới ăn lại cho yên tâm", chị Trần Thu Hà, trú tại Tp.Vinh, cho biết:
Cùng chung tâm lý e ngại trước dịch tả lợn châu Phi, bà Nguyễn Thị Cúc, trú tại phường Thành Vinh, tỉnh Nghệ An, nói: "Trước kia, gia đình tôi tuần ăn tới 5-6 bữa thịt lợn, giờ giảm còn 1-2 bữa. Từ giờ, tôi sẽ trữ thịt trong tủ lạnh để phòng những trường hợp dịch bùng phát bất ngờ. Với gia đình tôi, thịt lợn là món ăn chủ đạo, rất khó có thể thay thế".
Siêu thị đắt khách bất ngờ
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, trong khi thịt lợn tại các chợ truyền thống rơi vào cảnh ế ẩm, thì tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch ở Nghệ An, sức mua lại tương đối ổn định. Mặc dù giá cao hơn ngoài chợ từ 15–25%, nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi thêm tiền để mua thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh.

Quầy thịt lợn ở siêu thị tấp nập người mua dù mới sáng sớm.
Một nhân viên quầy thực phẩm tươi sống tại một siêu thị lớn ở Tp.Vinh cho biết: "Từ đầu tuần, lượng khách đến mua thịt lợn nhiều hơn bình thường. Nhiều người chia sẻ là họ cảm thấy yên tâm hơn khi mua thịt ở siêu thị vì sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định chất lượng".

Phiếu kiểm dịch KSGM và KTVSTY sản phẩm động vật trong siêu thị
Theo ghi nhận tại một số hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giá thịt lợn đang dao động từ 120.000–195.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, thịt ba chỉ khoảng 137.000 - 198.000 đồng/kg, nạc vai 187.000 đồng/kg, sườn heo lên tới 238.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn so với chợ dân sinh từ 15.000–30.000 đồng/kg.
Chị Đinh Thùy Linh, một khách hàng tại siêu thị ở Tp.Vinh, cho biết: "Tôi vẫn ăn thịt lợn nhưng chuyển sang mua ở siêu thị vì tin tưởng hơn. Ở đây có tem truy xuất nguồn gốc, có kiểm định rõ ràng, nhìn miếng thịt cũng tươi, sạch. Tôi đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, nhất là trong giai đoạn này".

Quầy thịt lợn trong siêu thị thu hút khách mua hàng
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, đến giữa tháng 7/2025, toàn tỉnh đã ghi nhận 25 ổ dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy hơn 1.296 con lợn với tổng trọng lượng vượt 54 tấn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần lựa chọn thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên mua tại các chợ, siêu thị có kiểm dịch và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; Tuyệt đối không sử dụng thịt lợn chưa qua kiểm dịch, bày bán ở những điểm trôi nổi, không đảm bảo vệ sinh.
Các chuyên gia y tế khẳng định, virus gây bệnh tả lợn châu Phi không lây sang người. Tuy nhiên, nếu tiêu dùng thịt không rõ nguồn gốc trong mùa dịch, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu. Người tiêu dùng được khuyến cáo nên nấu chín kỹ các món ăn từ thịt lợn, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chế biến nhằm đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Ngọc Ánh