Anh hiện đang là chủ của vườn lan Var Thảo Trang với nhiều những mặt bông lan đột biến quý, đẹp, độc, lạ. Anh Thảo với kinh nghiệm từ người làm nghề trồng cây lâu năm, chuyển hướng sang trồng lan cùng đam mê bất tận với loài hoa lan xinh đẹp. Hãy cùng nghe anh Thảo chia sẻ về cách ghép lan đúng cách và khỏe mạnh để bổ sung thêm cho mình những kiến thức về trồng và chăm sóc hoa lan phát triển.
Là một thanh niên trẻ, từng bươn trải rất nhiều ngành nghề, đi làm xa ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, nghệ nhân Lưu Đình Thảo đã có cho mình những trải nghiệm thăng trầm trong cuộc sống. Năm 2018 anh Thảo tình cờ được ngắm những bông lan đột biến khiến anh mê mẩn bởi vẻ đẹp, mùi hương của chúng. Vốn đã biết đến nghề trồng lan từ lâu, nhưng sau lần tiếp xúc với lan đột biến này, khơi gợi trong lòng anh Thảo niềm đam mê với hoa lan, xác định được bản thân có tình yêu và niềm tin mãnh liệt với hoa lan, anh quyết định trở về quê nhà sưu tầm và chăm sóc các giống lan đột biến.
Khó khăn từ việc thiếu kiến thức đến kỹ năng khiến anh Thảo không ít lần gặp thất bại trong quá trình trồng và chăm sóc lan. Không nản lòng, anh Thảo nỗ lực học hỏi từ các diễn đàn, hội nhóm trồng lan, thử nghiệm những phương pháp trồng kết hợp để cho ra một phương pháp của riêng mình, dần dần anh tích lũy được thêm nhiều kiến thức, kỹ năng hơn, vườn lan của anh phát triển và có thêm nhiều những giò lan đột biến đẹp, độc, lạ.
Hoa lan Var hay còn gọi là lan đột biến giả hạc 5 cánh trắng (5ct) hiện đang là một trong những loại hoa lan đột biến được rất nhiều người săn tìm. Theo anh Lưu Đình Thảo (Ma Thảo) hoa lan Var có sức hút lớn như vậy bởi loại hoa này có đặc trưng riêng mà không có bất kỳ một loài hoa nào khác có được. Gọi là đột biến bởi các nhiễm sắc thể biến đổi trong quá trình hình thành và phát triển của cây, có thể tạo ra những mặt bông hoa lan đặc biệt mà không giống bất kỳ một mặt lan nào trước đó. Thêm vào đó là do nhiễm sắc thể đặc biệt nên hệ miễn nhiễm của nó rất kém, cây rất khó chăm sóc và hoa cũng phải chăm sóc đúng cách mới cho độ bền lâu.
Để ghép được một lan hoàn chỉnh cần phải lưu ý một vài những điểm đặc biệt để đảm bảo quá trình ghép được thành công. Trong đó việc chọn thời điểm ghép là vô cùng quan trọng.
Đặc tính của hoa lan là thường đâm chồi mầm vào mùa xuân và tiếp tục phát triển từ mùa xuân qua mùa hè cho đến tận cuối mùa thu mới bắt đầu xuống lá và thắt ngọn. Thời gian thắt ngọn cây sẽ xảy ra một số tình trạng như lá vàng úa, rụng dần. Mùa đông được ví như là mùa ngủ đông của lan, thời điểm này lan sẽ phát triển chậm hơn để giữ dưỡng chất chuẩn bị cho một chu kỳ mới vào mùa xuân năm sau.
Vậy nên để chọn thời điểm ghép cây hợp lý nhất theo anh Lưu Đình Thảo (Ma Thảo) phân tích:
Mùa xuân là mùa có nhiều các mầm non đâm chồi nảy mầm mới, nếu chẳng may trong quá trình ghép chạm vào các mầm làm gãy thì phải đợi thêm một năm tiếp theo mới có thể ra mầm mới được.
Mùa hè là thời điểm thời tiết vô cùng khắc nghiệt bởi cái nắng nóng. Lan là một loại cây không ưa ánh nắng trực tiếp, ghép vào thời điểm này có thế sẽ vô tình làm cho cây bị bong rễ và lá dễ bị dập.
Mùa thu là giai đoạn để lan tích tụ dưỡng chất, cây mới ghép rất cần dưỡng chất để mọc rễ và ra hoa, nếu dưỡng chất không đủ, rễ không phát triển khỏe mạnh, khả năng ra hoa của cây sẽ rất khó.
Mùa đông chính là giai đoạn thích hợp nhất để ghép lan. Khi này cây đang ở trong tình trạng ngủ đông, dưỡng chất đã được tích lũy đủ để phát triển mùa xuân sang năm. Vậy nên ghép vào thời điểm này thì sang đến mùa xuân hoa có thể nhận đủ dưỡng chất và bung bông khoe sắc.
Anh Lưu Đình Thảo (Ma Thảo) chia sẻ cách ghép lan cơ bản và dễ nhất là ghép trên các cây tươi. Những loại cây thích hợp để ghép lan như nhãn, vú sữa, vải (cây phải cao, thoáng), mít, cau, lộc vừng, sưa hoặc doi, ổi, sung…Ngoại trừ xoan, bạch đàn và cây gỗ dầu.
Thao tác ghép lan đúng cách là sắp xếp sao cho ngọn của cây lan quay xuống phía bên dưới đất, áp rễ vào với thân cây, các thân tơ hướng ra phía ngoài. Đặt đúng hướng như thế này giúp cho cây khi phát triển và bung bông, phần thân non mọc ra bên ngoài sẽ được thuận hướng. Dùng dây buộc chặt phần gốc vào thân cây, phải để chừa phần mắt ngủ để cây dễ dàng ra mầm mới. Vị trí buộc nên cách mặt đất khoảng từ 2 mét trở lên, khi đó cây thòng xuống nhìn rất thuận mỹ quan.
Ngoài ra còn một phương pháp ghép lan mà anh Thảo khẳng định hiện nay đa số đều sử dụng cách ghép này đó là ghép lan vào các khúc gỗ. Gỗ khô cũng được chia làm nhiều loại như khúc gỗ trụ, tấm gỗ phẳng và dớn (lũa).
Khúc gỗ trụ có đường kính khoảng 10-12cm là đẹp nhất giúp giữ ẩm tốt, có diện tích đủ rộng để rễ phát triển mạnh mẽ. Gỗ khúc có trọng lượng vừa phải giúp dễ dàng treo các khúc gỗ lên giá.
Cũng như cây sống, ta úp rễ vào gỗ, cho xuôi thân, dùng dây cột chặt, dùng súng bắn ghim để ghim dây buộc sẽ đẹp và chặt chẽ, không nên đóng đinh, buộc dây thép dễ làm hỏng cây.
Gỗ tấm là khúc gỗ dày khoảng từ 3 đến 5cm, theo anh Thảo chỉ nên ghép vào 1 mặt tấm để dễ dàng điều chỉnh hướng sáng cho hợp lý để cây phát triển khỏe mạnh.
Dùng dây luồn qua các lỗ cột chặt gốc lan vào thớt, tuỳ hình dạng của giề lan, gốc lan mà ốp vào cho sát mặt gỗ, chỗ nào trống có thể lót xơ dừa, than, rêu vào cho chắc và cũng là để giữ ẩm. Ta có thể dùng cả thớt gỗ hỏng nhà bạn để ghép trông cũng hay.
Phương pháp ghép cuối cùng mà Lưu Đình Thảo (Ma Thảo) chia sẻ đó là ghép dớn. Dớn cũng có 2 loại chính là dớn bảng và dớn chậu. Đối với dớn bảng cách ghép như làm với gỗ tấm. Với chậu dớn cách trồng bình thường là ngửa chậu lên cho khóm lan thẳng đứng hoặc xoè ngang. Ta có thể úp ngược và cho quay xuống, ghép vào bên ngoài quanh chậu. Sử dụng rêu, xơ dừa phủ quanh rễ lan để giữ ẩm.
Với dự định phát triển mở rộng quy mô vườn lan của mình, anh Lưu Đình Thảo (Ma Thảo) tâm sự anh luôn cố gắng nỗ lực học hỏi, tìm hiểu, thử chiết ghép các giống lan khác nhau với mong muốn mang đến nhiều những giỏ hoa lan xinh đẹp,lan tỏa niềm đam mê đến với nhiều hơn nữa những người có chung đam mê mới mình, góp phần bảo tồn và duy trì các giống lan quý hiếm.
Thu Hà