Tạm hoãn hợp đồng lao động là gì?
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ luật Lao động cũng như các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có định nghĩa nào về tạm hoãn hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, nếu hiểu theo cách hiểu về “tạm hoãn” thì tạm hoãn hợp đồng lao động là việc tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên trong khoảng thời gian nhất định vì một lý do nào đó. Hết thời gian này, người lao động sẽ tiếp tục thực hiện công việc của mình theo hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 9 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, có 6 trường hợp được ghi nhận là tạm hoãn hợp đồng lao động:
- Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
- Người lao động bị tạm giam, tạm giữ.
- Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc.
- Lao động nữ mang thai có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
- Người lao động được bổ nhiệm hoặc được cử làm người đại diện phần vốn góp của Nhà nước.
- Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.
Tạm hoãn hợp đồng lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Tại Điều 49 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 quy định, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Thứ 2, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này.
Thứ 3, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
Thứ 4, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trừ các trường hợp sau: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.
Theo Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng BHXH bắt buộc.
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức BHXH xác nhận.
Theo đó, tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:
- Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH.
- Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.
Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, điều kiện đầu tiên và tiên quyết để được hưởng trợ cấp thất nghiệp là phải “chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc”.
Việc tạm hoãn hợp đồng lao động không phải là căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2012.
Do đó, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì mối quan hệ lao động vẫn tồn tại và tất nhiên sẽ không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hoàng Mai