Có một nghịch lý liên tục xuất hiện trong những ngày qua, đó là giá lợn, gà tại các trại chăn nuôi thì thấp, thậm chí là “rẻ như cho”, nhưng ở những thành phố lớn, nơi có đông dân cư thì lại cao ngất ngưởng.
Những ngày qua, theo thông tin trên báo chí, nhiều trại chăn nuôi phản ánh tình trạng thương lái ép giá, mua giá thấp, bán giá cao cho người tiêu dùng.
Thế nhưng, tại các chợ, trên các nhóm mua bán online thương lái đều núp bóng hảo tâm treo biển “giải cứu nông dân”. Người mua hàng thì nghĩ đã góp sức, giúp người nông dân trong cơn bĩ cực của dịch bệnh Covid-19, nào hay những đồng tiền thơm thảo ấy lại vào túi tham của thương lái.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Văn Quyết (Phó Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ) cho biết, giá gà bán tại trại chỉ còn 11.000 đồng/kg. Với giá thành hiện nay thì người nuôi gà đang lỗ nặng 17.000-18.000 đồng/kg.
Thậm chí, đau lòng hơn, các chủ trang trại đã không xuất được gà, mà mỗi ngày lại có đến hàng trăm con gà chết. Ngủ dậy là thấy gà chết, đó là chia sẻ của chủ một trang trại tại Đồng Nai.
Tuy nguồn cung thịt dồi dào nhưng đầu ra không ai mua do khâu giết mổ đã bị đứt gãy. Gà quá lứa chưa thể xuất bán, gà lớn dần rồi lấp kín các chuồng nuôi. Chật chội, chen chúc đến nỗi gà không thể bước ra máng ăn. Từ đó dẫn đến tình trạng một số thương lái “ép giá”, mua giá thấp, bán giá cao cho người dân.
Đại diện một số trang trại chăn nuôi cũng lo ngại: “Nếu không nhanh chân, trong khi nguồn thịt nội địa sơ chế không thể đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường thì 50-60% lượng thịt gà hiện nay tại các siêu thị, hệ thống phân phối là gà nhập khẩu. Người chăn nuôi trong nước thì lỗ, người tiêu dùng vẫn ăn gà nhập giá cao và thị trường bị gà ngoại chiếm lĩnh”.
Không chỉ sản phẩm thịt, mà trước đó, đã có nhiều nông sản chính vụ rơi vào tình cảnh trên. Nhiều đợt rau củ như củ cải, su hào, cà rốt... và hoa quả như dưa hấu, vải, dứa, mận thanh long... được mùa, nhưng lại không xuất được ra thị trường, bị thương lái “ép giá” đến mức “thà để thối chứ không bán”. Trước thực tế xót xa đó mà xuất hiện hoạt động mang tên “giải cứu nông sản”.
Thế nhưng, đó cũng không phải một giải pháp lâu bền. Một đất nước đi lên từ nền nông nghiệp không thể mãi dựa vào hoạt động “giải cứu” để tiêu thụ nông sản. Đó là một sự ỷ lại gây nhiều hệ lụy.
Chưa nhắc đến bối cảnh dịch bệnh, ngay từ trong những thời điểm bình thường, nông sản Việt cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn, các nhà quản lý phải có trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo đầu ra, duy trì thị trường bền vững, không để người nông dân năm nào cũng khóc, mất mùa thì khóc ròng vì lỗ vốn mà được mùa thì khóc vì không có người thu mua.
Còn trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, càng cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của các nhà quản lý.
Có rất nhiều cách để kết nối và “gỡ khó” cho người nông dân. Ngay trong thời điểm dịch Covid-19 mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, “cửa ngõ” với các nước láng giềng tạm thời bị “tê liệt”, bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và bộ Công Thương vẫn có thể phối hợp để cùng tìm ra giải pháp.
Vậy, với những hạn chế trong giai đoạn này, càng cần sức mạnh của các cơ quan nhà nước cùng san sẻ, gỡ rối.
Với những sản phẩm ấy, cần có sự kết nối kịp thời để không làm lãng phí nguồn lương thực, thực phẩm, trong khi, tại các thành phố lớn, tại các tụ điểm dân cư thì giá cả có khi vẫn chưa “hạ nhiệt”. Thậm chí, có những kẻ xấu lợi dụng sự cả tin của người mua để trục lợi, rao bán nông sản sạch nhưng thực tế lại chưa được kiểm chứng.
Nhiều địa phương thực hiện giãn cách nhưng quan trọng khâu lưu thông, phân phối nông sản cần được thông thoáng, ưu tiên. Như vậy, thương lái không thể ép giá nông dân.
Giữa bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cần lắm những giải pháp thiết thực có thể ổn định, đảm bảo cho người nông dân.
Chỉ như vậy khi “giải cứu nông sản” người nông dân mới nhận được thành quả.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Duyên Lê