Rước dương vật
Việc tổ chức lễ hội Kanamara (rước dương vật) là dịp lễ cả gia đình Nhật Bản ăn mừng để tôn vinh khả năng tạo ra sự sống. Điều này càng được coi trọng hơn trong bối cảnh tỉ lệ sinh của xứ sở Hoa Anh Đào trong những năm gần đây giảm đi rõ rệt.
Lễ hội Kanamara có từ những năm 1.600, ban đầu được tổ chức như một phương tiện để bảo vệ người dân khỏi những bệnh lây qua đường tình dục. Các lễ hội đầu tiên diễn ra tại đền thờ, nhưng truyền thống đã biến mất vào cuối thế kỷ 19. Mãi đến năm 1970, vị linh mục trưởng lúc đó, Hirohiko Nakamura, mới quyết định phục hồi, mặc dù ở quy mô khá nhỏ và vào ban đêm.
Sự nổi tiếng của lễ hội đã tăng vọt vào năm 2012 khi ngôi sao truyền hình Matsuko Deluxe - một người ủng hộ sự tích cực của giới tính, đã gọi lễ hội này là Kanamara. Hiện tại, lễ hội thu hút hơn 50.000 người tham gia mỗi năm. Lễ hội được tổ chức vào ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng Tư tại thành phố Kawasaki.Bên cạnh việc tôn vinh khả năng sinh sản, lễ hội Kanamara còn được xem là một lễ hội dành cho cộng đồng người đồng tính-chuyển giới LGBT.
Lễ hội “khỏa thân” Hadaka
Lễ hội được tổ chức vào Thứ Bảy tuần thứ ba của tháng Hai tại đền Saidaiji Kannonin, cách thành phố Okayama, phía Nam đảo Honshu. Tại đêm lễ hội, bất chấp trời lạnh, khoảng 9.000 người đàn ông trưởng thành chỉ mặc một chiếc khố và tranh nhau giành lấy 2 chiếc que gỗ trong đền thờ Saidaiji Kannonin trong khoảng 30 phút.
Người chiến thắng là người lấy được 2 chiếc que đầu tiên. Theo đó, người chiến thắng sẽ nhận được may mắn và nhiều hạnh phúc trong năm mới.
Lễ hội phát triển từ một nghi lễ bắt đầu từ 500 năm trước trong thời kỳ Muromachi (1338-1573). Trong thời gian này, dân làng đã mở cuộc thi giành lấy những lá bùa bằng giấy do một thầy tu ở chùa Saidaiji Kannonin cung cấp. Lễ hội sau đó đã phát triển hơn do ngày càng nhiều người muốn tham gia và giành lấy lá bùa.
Sau một thời gian, dân làng nhận ra những lá bùa đều bị xé rách trong lúc tranh giành và quần áo của họ gây vướng víu nên cuối cùng họ đã quyết định cởi bỏ quần áo cũng như đổi bùa giấy thành những que gỗ. Với truyền thống lâu đời, lễ hội Hadaka đã được ghi nhận là Di sản văn hóa dân gian phi vật thể của Nhật Bản vào năm 2016.
Một truyền thuyết khác kể rằng khỏa thân có thể xua đuổi những thế lực xấu xa và những điều xui xẻo. Do đó, dân làng sẽ chọn một người đàn ông "may mắn" để hấp thụ tất cả những điều bất hạnh. Người đàn ông được chọn sẽ khỏa thân đi qua đám đông. Sau đó, anh ta sẽ rời khỏi làng, cùng với tất cả những điều xui xẻo, rắc rối và bệnh tật để cả làng được may mắn trong năm mới.
Trải nghiệm cái chết
Lễ hội thu hút sự tham gia của 50 công ty sản xuất quan tài và các doanh nghiệp lâu đời cạnh tranh để trở thành thương hiệu tang lễ hàng đầu tại Nhật Bản. Được biết, từ shukatsu có nghĩa là “chuẩn bị cho sự kết thúc”. Lễ hội cho người tham dự tự chọn trang phục tang lễ cho mình, trang điểm “xác chết” và nằm trong quan tài.
Sau đó, những nhân viên phục vụ sẽ đóng nắp quan tài của những người tham dự, để họ có trải nghiệm chân thật nhất về cái chết của mình. Lễ hội này được ưa chuộng trong những năm gần đây, trong bối cảnh Nhật Bản nhiều năm liên tiếp ghi nhận tỷ lệ dân số già nhất thế giới với số người trên 65 tuổi chiếm hơn 25% tổng dân số.
Thi khóc
Lễ hội Naki Sumo diễn ra vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm tại đền thờ Sensoji (Thủ đô Tokyo). 2 đô vật sẽ bế 2 đứa bé sơ sinh lên đài thi đấu. Khi ấy, trọng tài sẽ đeo một chiếc mặt nạ ma quái để dọa 2 bé sơ sinh, đồng thời các đô vật cũng tìm cách khiến các em bé cảm thấy khó chịu. Bé nào khóc to hơn và lâu hơn là người chiến thắng.
Lễ hội này đã có nguồn gốc hơn 400 năm dựa trên câu tục ngữ Nhật Bản: Những đứa trẻ khóc nhiều sẽ béo tốt. Ngoài ra, người Nhật tin rằng tiếng khóc lớn sẽ giúp xua đuổi ma quỷ, giúp cho đứa bé sơ sinh phát triển khỏe mạnh. Còn những gia đình Nhật Bản vẫn tin rằng tiếng khóc của trẻ sơ sinh sẽ đem lại điều tốt đẹp trong mùa xuân.
MINH HẠNH
(Theo Klook, CNN, DailyMail)