Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nằm trong khuôn viên khu đất tứ giác rộng gần 4.000m2, ở mặt tiền đường Phó Đức Chính (quận 1, TP.HCM) được xây dựng năm 1929.
Toà nhà từng là tư dinh của một trong “Tứ đại phú hộ” nức tiếng đất Sài Gòn xưa - tên Hứa Bổn Hoả (dân Sài Gòn vẫn quen gọi là chú Hoả).
Dinh thự chính thiết kế hình chữ U, có 4 tầng mái lợp ngói âm dương, tường dày 40 - 60cm.
Công trình thiết kế, trang trí theo phong cách kiến trúc Đông - Tây do các kiến trúc sư người Pháp thực hiện. Toà nhà đồ sộ này có bố cục đăng đối, gồm hai dãy nhà ngang và hai dãy nhà dọc khép kín tạo thành một giếng trời ở giữa.
Kiến trúc thể hiện sự kết hợp hài hoà những giá trị mỹ thuật Âu - Á đương thời. Dấu ấn kiến trúc thể hiện rõ ở quy mô công trình và những chi tiết kiến trúc phóng khoáng như ban công, mái vươn ra, hoa sắt uốn công phu. Quy mô đồ sộ của toà nhà thể hiện ở số lượng nhiều phòng ốc, đặc biệt có đến 99 cửa các loại.
Mỗi cửa có kích thước lớn nhỏ, mang phong cách kiến trúc khác nhau, khiến công trình thêm nổi bật. Từ đó, người Sài Gòn xưa còn gọi dinh thự này là căn nhà 99 cửa.
Dinh thự 4 tầng (gồm 1 tầng trệt và 3 tầng trên) này là công trình đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy. Một hạng mục cực kỳ xa xỉ ở Việt Nam thời bấy giờ. Thang máy được lắp đặt cùng thời điểm xây dựng căn nhà.
Sau năm 1975, gia đình ông Hứa Bổn Hòa chuyển sang nước ngoài định cư. Năm 1987, toà nhà được làm bảo tàng mỹ thuật nhưng đến năm 1992, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM mới đi vào hoạt động, phục vụ khách.
Bảo tàng hiện là địa điểm trưng bày hơn 21.000 tác phẩm nghệ thuật của các thời kỳ, trong đó có những bảo vật quốc gia như tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” (1989) của hoạ sỹ Nguyễn Gia Trí, “Thanh niên thành đồng” của tác giả Nguyễn Sáng.
Năm 2012, bảo tàng được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố, mỗi năm thu hút hơn 200.000 lượt khách tham quan.
Quá trình tồn tại gần 100 năm, toà nhà nhiều lần được tu sửa, sơn mới. Đây là một trong 31 di tích văn hoá, lịch sử của thành phố dự kiến được tu sửa đến năm 2025.
Hiện tại, toà nhà có nhiều hạng mục ở phía trong và ngoài do xây dựng đã lâu, gần đây các cấu trúc, thiết kế công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Có thể thấy rõ nhất ở khu vực bậc tam cấp mặt trước của toà nhà nhiều bậc và trụ bị nứt toác thành những vệt dài.
Những con tiện men màu lam còn nguyên màu ở các bậc cầu thang, lan can, ban công bị gãy hàng loạt.
Một số gạch men ốp các trụ, những bức phù điêu ở nhiều kết cấu cũng bị nứt toác từng mảng, lộ kết cấu xi măng bên trong.
Nhiều vách tường, mạch liên kết các kết cấu cũng bị hở thành từng vệt dài. Trước đó, năm 2021, công trình này được xác định hư hỏng, nứt tường, trần ở các khối nhà chính, sụp lún, bong gạch ở sân, tường rào bị lún nghiêng nhưng chưa được tôn tạo.
Những mảng trần, tường nhiều hạng mục bị bong tróc, những lớp sơn cũ bắt đầu lộ ra sau lớp sơn mới.
Một số kiến trúc trang trí trên đỉnh các mái bự hư hỏng, các bức phù điêu gắn ở một số hạng mục chức năng cũng bị rơi rụng…
Phù điêu đầu ống thoát nước trên tầng mái sân thượng của khối nhà chính bị nứt, rơi xuống lộ phần thép gỉ sét. Năm 2020, Sở Văn hoá Thể thao có báo cáo UBND TP.HCM về công trình cao tốc khu tứ giác Bến Thành thi công đã ảnh hưởng đến kết cấu của bảo tàng.
Thời điểm đó, một đoạn hàng rào trên đường Lê Thị Hồng Gấm bị lún nghiêng, cổng số 1 bị ngã về phía trước, nhân viên bảo tàng phải treo bảng cảnh báo nguy hiểm. Trong ảnh, đoạn tường hàng rào trên đường Phó Đức Chính cũng đang bị “lượn sóng”.
Cuối năm 2022, một trong ba toà nhà ở góc đường Nguyễn Thái Bình được sơn lại theo màu cũ để sử dụng tạm thời.
Hồng Lam