Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
Trả lời kênh truyền thông ELTA của Lithuania, ông Kuleba lặp lại cảnh báo mà Tổng thống Volodymyr Zelensky từng đưa ra nhiều lần. Đó là Nga sẽ không dừng lại nếu giành chiến thắng ở Ukraine.
"Nếu Nga vượt qua Ukraine, tiếp tục tấn công các nước thành viên NATO ở vùng Baltic, sẽ rất khó để các quốc gia đó phòng thủ vì đối phương lúc này đã vượt trội hoàn toàn về kinh nghiệm và năng lực", ông Kuleba nói.
"Đến cuối cùng, tôi nghĩ NATO sẽ thắng. Nhưng hãy nhìn Bakhmut, hãy nhìn Avdiivka. Đó là những gì các quốc gia Baltic đối mặt sau những cuộc đụng độ ác liệt", ông Kuleba cảnh báo.
"Các thành phố của NATO ở sườn đông cũng có thể trở thành như vậy, sẽ không có một thành phố tươi đẹp như Vilnius nữa", ông Kuleba nói, ám chỉ thủ đô của Lithuania.
Nga chưa có phản ứng về phát ngôn nêu trên của Ngoại trưởng Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là ở Ukraine và Nga không có ý định tấn công các nước thành viên NATO.
Tháng 12/2023, ông Putin cũng chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden "phát biểu vô nghĩa" khi ông Biden cảnh báo Nga có thể tấn công nước thành viên NATO.
"Tôi nghĩ Tổng thống Joe Biden hiểu rõ đó là những phát biểu hoàn toàn vô nghĩa. Nga không có lý do và lợi ích nào, cả về địa chính trị, kinh tế và quân sự, để gây chiến với các nước thành viên NATO", ông Putin nói.
Hôm 25/1, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin nói việc phương Tây liên tục cảnh báo nguy cơ Nga tấn công nước thành viên NATO là một phần của "cuộc chiến thông tin". Theo ông Naryshkin, thông qua các hành động "phối hợp", phương Tây đang nỗ lực đe dọa Moscow nhằm gây ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Ông Naryshkin khẳng định những nỗ lực như vậy là vô ích.
Bakhmut và Avdiivka là hai thành trì được Ukraine bố trí phòng thủ kiên cố nhưng sau nhiều tháng giao tranh ác liệt vào năm 2023 và đầu năm 2024, hai thành trì đều đã nằm trong quyền kiểm soát của Nga. Giao tranh ác liệt khiến Bakhmut và Avdiivka đều bị hủy hoại nặng nề, gần như không còn bất kỳ tòa nhà cao tầng nào có thể đứng vững.
Ba quốc gia thành viên NATO ở vùng Baltic gồm Latvia, Estonia và Lithuania luôn lo ngại nguy cơ Nga tấn công. Các quốc gia này có tiềm lực quân sự khiêm tốn và không phải đối thủ của Nga. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, NATO đã bổ sung thêm binh lực tới sườn đông để gia cố phòng thủ.
Cuối tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon đưa ra tuyên bố gây tranh cãi khi nói "không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân đến Ukraine". Ba quốc gia vùng Baltic trên đã bày tỏ sự hoan nghênh, cho rằng NATO không nên "loại trừ bất kỳ giải pháp nào nhằm hỗ trợ Ukraine".
Đăng Nguyễn - Newsweek