"Công chúa tuồng cổ" thuộc lời tuồng hát từ 3 tuổi
Ngọc Huyền tên khai sinh là Vũ Hà Ngọc Huyền, sinh năm 1970 và lớn lên trên trên mảnh đất phù hoa Sài Gòn trong một gia đình cơ bản không theo thiên hướng nghệ thuật.
Từ nhỏ Ngọc Huyền may mắn được theo mẹ đến khắp các rạp hát trong thành phố, coi riết mà thành thân quen với các nghệ sĩ Bạch Mai, Kiều Minh Trang, Ngọc Hương, Mộng Lành...
Để rồi tự khi nào, bé Ngọc Huyền mới 3 tuổi đã thuộc luôn những vở tuồng bất hủ và "khó khằn" như: Nửa đời hương phấn, Tiếng trống Mê Linh.
Năm Ngọc Huyền 8 tuổi, cô Bạch Mai, Kiều Minh Trang khuyên mẹ Ngọc Huyền cho cô làm đệ tử thầy Út Trong.
Huyền mới 12 tuổi, thầy Út Trong thấy có triển vọng liền bảo Huyền rèn luyện để năm sau thi vào khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Y lời thầy chỉ bảo, năm 13 tuổi, Ngọc Huyền tham dự khóa thi của nhà hát cải lương, mới hát câu đầu còn chưa vào trường vọng cổ, NSND Phùng Há ra hiệu dừng lại và nói: "Thôi được rồi, đủ điểm đậu rồi con!".
Năm đó, Ngọc Huyền đứng thứ 6 trong 40 thí sinh được chọn, trở thành bạn đồng môn của NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Kim Tử Long, Tô Châu,... được học bài bản với những người thầy dày dạn kinh nghiệm như NSND Phùng Há, nghệ sĩ Kim Cúc, NSƯT Hoàng Ba, NSƯT Tấn Đạt,...
Theo học được hai năm, vì lý do riêng, Huyền nghỉ học đi hát.
Là cô đào trẻ nhất trong đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, nhưng Ngọc Huyền may mắn được các thầy giỏi uốn nắn.
Nghệ sĩ Bạch Mai dạy ca, vũ đạo, diễn xuất; "sư phụ" Kiều Minh Trang dạy cách diễn tuồng xã hội, cách ca sâu lắng, cách nhấn nhá đài từ sao cho "ngọt".
Nghệ sĩ Thanh Bạch (anh rể NSƯT Thành Lộc) trực tiếp uốn nắn Ngọc Huyền trong buổi đầu tập dượt những động tác khó của bộ môn cải lương tuồng cổ.
Hồi mới biết hát, Ngọc Huyền ca y chang cô Lệ Thủy. Nhưng sau Ngọc Huyền học hỏi thêm ở nhiều tài danh khác.
Cô học nốt trầm độc đáo của NSƯT Mỹ Châu, cách ngân cuối câu "đoạn trường" của NSND Ngọc Giàu, thả những dấu huyền u uẩn của NSƯT Út Bạch Lan, học những dấu sắc lẹm ấn tượng của NSND Bạch Tuyết, cách nhấn đài từ điềm đạm của NSƯT Thanh Nga và những luyến láy mang âm điệu dân ca rất trữ tình của NSƯT Thanh Kim Huệ.
Vậy nên giọng ca của Ngọc Huyền dù ảnh hưởng nhiều tài danh nhưng vẫn rất riêng và độc đáo.
Vai chính đầu tiên của Ngọc Huyền là trong vở Tấm Cám khi mới 14 tuổi, nhưng lúc đó cô chỉ đóng thử vai, 18 tuổi mới chính thức là đào chính trong vở Lưu Kim Đính (đóng chung với Tiểu Linh).
Đặc biệt Ngọc Huyền thích nhất vai diễn nào do cô tự khai phá, không phải theo khuôn mẫu.
Cô nhớ năm 17 tuổi, khi nhận vai Tố Mai, một nữ tướng theo hầu vua trong vở tuồng Bí mật thành Cổ Loa.
Chỉ là đào ba và đóng có hai cảnh, nhưng mỗi lần Tố Mai xuất hiện khán giả vỗ tay rần rần, báo chí lúc đó khen ngợi Ngọc Huyền như phát hiện thú vị.
Từ đó, Ngọc Huyền nhận ra chinh phục vai diễn mới dù vất vả nhiều nhưng là chìa khóa mở cửa con đường thành công của một người nghệ sĩ trưởng thành.
Năm 1985, Ngọc Huyền hát trên sân khấu Thanh Nga với vở tuồng đầu tiên là Những đêm trăn trở.
Từ 1985 đến năm 1989, Ngọc Huyền được học cách hát tuồng Tàu qua các vở tuồng kinh điển.
Sau khi gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, cô được các nghệ sĩ đào tạo hát Hồ Quảng, rồi tiếp tục được các nghệ sĩ có tiếng khác trong lĩnh vực đào tạo.
Cô diễn thành công nhiều loại tuồng, từ tuồng cổ, Hồ Quảng đến các vở ca kịch xã hội hiện đại.
Ham khám phá học hỏi, tìm tòi cái mới nên Ngọc Huyền nhanh chóng trở thành "con cưng" của sân khấu cải lương với hàng loạt vai chính trong các vở Khoai lang Dương Ngọc, Bùi Thị Xuân, Về đất Kinh Châu, Mạnh Lệ Quân, Mặt trời đêm thế kỷ, Gánh cải trạng nguyên, Hoa Mộc Lan...
Cuối thập niên 80, bằng tài năng thiên bẩm và sự chuyên tu cần mẫn, Ngọc Huyền đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc với vai Ngọc Hân công chúa trong vở Mặt trời đêm thế kỷ.
Cuối năm 1989 đầu năm 1990, nghệ sĩ Bạch Mai đích thân chắp bút viết tuồng Xử án Phi Giao "đo ni đóng giày" cho Ngọc Huyền.
Năm 1990, Ngọc Huyền đoạt huy chương vàng hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.
Liên tiếp sau đó, cô giành giải Diễn viên được ưa thích nhất qua các năm 1991, 1992 và 1993 và giải Mai vàng trong 4 năm 1995, 1996, 1997 và 2002.
Rồi để đến nay, với những khán giả từng xem vở diễn, khó mà quên được nàng Phi Giao - từ cái liếc mắt sắc như dao cho đến sự nhấn nhá lời thoại, vũ đạo chuẩn xác, từng nét tâm lý nhân vật.
Gây ám ảnh nhất là trường đoạn cuối, khi Phi Giao bị xét xử, Ngọc Huyền thật sự đã khai thác "đặc" sắc thái tâm lý nhân vật qua ánh mắt bén ngọt, giọng cười cao ngạo, hả hê bộc lộ rõ sự ngạo nghễ lẫn xót xa, ân hận của nàng Phi Giao - người phụ nữ thủ đoạn ôm mộng đế vương.
Xử án Phi Giao tạo được tiếng vang diễn suốt cả năm ròng và nàng Phi Giao được xem là vai diễn để đời của nghệ sĩ Ngọc Huyền.
Từ vai diễn này, cô được mệnh danh là "công chúa của bộ môn cải lương tuồng cổ".
"Điều bí ẩn mà tôi muốn chia sẻ ngày hôm nay. Đó là, nếu có lời thề trước bàn thờ tổ thì xin cho tôi được đổi lại, rằng tôi vẫn muốn được yêu anh Kim Tử Long" – Ngọc Huyền.
Thanh mai trúc mã từ nhỏ, cùng nhìn nhau trưởng thành ở lò dạy thanh nhạc của thầy Út Trâm, sau đó là ở trường Trần Hữu Trang, duyên phận từ nhỏ, Kim Tử Long và Ngọc Huyền gắn bó qua các đoàn hát và vai diễn trên sân khấu.
Tình cảm giữa hai người cứ thế nhen nhóm cho đến một ngày Kim Tử Long dũng cảm thừa nhận yêu thầm cô bạn bé nhỏ ngày nào nhưng chẳng dám ngỏ lời.
Trắc trở thay, tình cảm đó mãi chỉ ở một phía của chàng trai, bởi cô gái chỉ muốn giữ mối tình trên sân khấu đó đẹp mãi nên đã chủ động tạo khoảng cách, giữ cho nhau một ranh giới. Để đến hiện tại, mỗi người đã tìm thấy cho mình một bến đỗ hạnh phúc riêng sau những lần dang dở.
Ngọc Huyền giãi bày: "Có thể nói tình yêu giữa tôi và anh Long không thành là do tôi. Tôi sợ kép hát đào hoa, sợ sự đổ vỡ. Tính tôi lại ghen nhiều nên chứng kiến anh được các cô gái khác hâm mộ, vây quanh khiến tôi không chịu được. Vì vậy tôi yêu anh Long nhiều lắm nhưng quyết định chỉ dừng lại là anh em. Bây giờ, anh em chúng tôi ôm nhau là cái ôm nồng nàn, không còn ranh giới".
"Tôi và anh ấy đều gọi bố mẹ của nhau là bố mẹ. Con của anh Long gọi tôi là mẹ Huyền. Anh Long thương tôi như một người em. Khi anh có chuyện vui buồn gì trong cuộc sống đều chia sẻ với tôi. Tôi đến được với ông xã cũng nhờ anh Long se duyên mai mối", Ngọc Huyền nghẹn ngào về một thời đã qua.
Đến 2017, sau khi Ngọc Huyền được cấp phép biểu diễn trong nước, Kim Tử Long quyết định tự bỏ tiền túi để tổ chức vở diễn Xử án Phi Giao cho Ngọc Huyền, đánh dấu việc về nước biểu diễn sau 15 năm sống ở Mỹ như một lời tri ân, một món quà gửi tặng cố nhân sau những khúc đoạn trầm luân của tình ái.
17 năm "nhất kiến chung tình" chàng sĩ quan không quân người Mỹ
NSƯT Ngọc Huyền nhớ lại: "Trước khi nhận lời yêu chồng, tôi trải qua mối tình dang dở, mang tâm lý con chim sợ cành cong nên đã hỏi ý kiến của anh Long. Tôi vẫn nhớ mãi lời khuyên của anh: "Thương người ta thì lấy đi, muốn ế à? Lấy người khác là bỏ nhau nữa đó. Anh thấy cậu ấy thật thà. Anh tin em sẽ là người hạnh phúc".
Quyết tâm lấy hết dũng khí để chắp nối lại sợi dây tình đứt đoạn, Ngọc Huyền đồng ý nhận lời yêu anh chàng quân nhân thật thà vào năm 2002 và nhanh chóng kết hôn vào cuối năm đó.
Được biết, ông xã Ngọc Huyền là dân IT. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh vào quân đội làm sĩ quan với cấp bậc Trung tá và làm việc cho chính phủ Mỹ, không phải ra chiến trận hay đi theo sự chỉ huy của quân đội.
Đặc biệt hơn, anh chính là con trai của nữ danh ca Thanh Tuyền – người bạn song hành với Chế Linh tạo nên những khúc ca vàng huyền thoại.
Nhắc đến chồng, Ngọc Huyền không giấu nổi vẻ hạnh phúc: "Tôi không yêu anh vì anh sống ở nước ngoài hay anh là con của danh ca Thanh Tuyền, tôi bị rung động trước sự chân thật ở anh. Mối tình đầu của tôi có nhiều việc không thật, đã để lại vết thương trong lòng nên tôi sợ sự giả dối. Nhìn lại, tôi thấy mình may mắn khi lấy được người chồng yêu thương, ủng hộ và bao dung với vợ".
Chấp nhận đến với anh, Ngọc Huyền nêu rõ quan điểm bản thân sẽ sống ở Việt Nam.
Trái ngược với những ông chồng gia trưởng khác, không những là người tiếp thêm sức mạnh nghệ thuật cho Ngọc Huyền, người bạn đời quân nhân còn chấp nhận hi sinh sống cảnh xa vợ để vợ có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi sự nghiệp cải lương: "Em cứ thoải mái tiếp tục sự nghiệp của mình. Khi nào có thời gian rảnh thì sang thăm anh".
Ngọc Huyền từng tâm sự: "Tôi không phải là người thích nhìn về quá khứ mà luôn hướng về tương lai. Nếu nhìn về quá khứ thì sẽ có nhiều điều nuối tiếc và đau khổ. Đó không phải là con người của tôi. Tôi đã có một mối tình dang dở nhưng đến giờ không ai trách ai. Tôi nghĩ tình duyên đều do số phận quyết định".
Trong cuộc phỏng vấn vào đầu năm 2005, nhân nói về chuyện hôn nhân xa xứ của mình, NSƯT Ngọc Huyền bày tỏ:
"Nhìn lại mọi chuyện, tôi thấy tất cả như định mệnh bày sẵn. Tôi không biện bạch cho mình mà đây chỉ là những bộc bạch, nếu khán giả thương, hiểu cho Huyền thì đó là hạnh phúc lớn dành cho nghệ sĩ. Khi còn là một cô bé, tôi đã có nhiều suy nghĩ về thần tượng của mình - những nghệ sĩ tài danh. Họ luôn là người sống chân thật, vì thế, họ mới truyền tải tới khán giả những nhân vật trên sàn diễn, mà khán giả có thể khóc, cười với nhân vật đó. Cũng có người cho rằng diễn xuất là sân khấu. Nhưng cuộc đời là sân khấu, sân khấu chính là cuộc đời."
Đã hơn 17 năm trôi qua kể từ ngày quyết định chung đường, ánh mắt đôi vợ chồng ấy vẫn luôn nhìn nhau vẫn ấm áp và "tình" như ngày đầu mới gặp. Người phụ nữ đã không còn nét son trẻ bởi thời gian nhưng vẫn rạng ngời hồn nhiên như cô gái mới lớn trong vòng tay người đàn ông nguyện vì mình mà gánh cả thế gian.
Lặng lẽ vì con chấp nhận mang những tin đồn
Người phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu, công danh nặng nợ thế nào thì tình cảm gia đình vẫn luôn đặt hàng đầu.
Bởi vậy, Ngọc Huyền từng chấp nhận buông bỏ chức tước vị sang của một Phó giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang để lựa chọn hai tiếng gia đình. Nhắc nhớ về quãng thời gian quyết định Mỹ tiến, cô nghẹn lời: "Tôi chưa từng nghĩ mình lấy chồng rồi sẽ bỏ quê hương. Tôi dự định lấy chồng ở Mỹ nhưng vẫn sẽ đi về hai nước. Vợ chồng tôi cũng có giao kèo như thế. Mẹ Thanh Tuyền cũng đồng ý với lựa chọn đó vì không muốn tôi bỏ nghề. Bản thân tôi không biết qua Mỹ mình có còn được hát không nhưng chắc chắn tôi rất muốn có con".
"Kế hoạch ban đầu là thế nhưng sau khi sinh bé Hà Tiên, ông xã ở trong quân đội, không thể về Việt Nam thăm con gái được nhiều. Vì anh muốn gần con, tôi muốn cảm nhận sự hình thành của một mái ấm gia đình thật sự nên đã quyết định làm giấy tờ định cư sang Mỹ".
"Trong thời gian đầu sang Mỹ, tôi phải đối diện với những tin đồn không đáng có. Đối với tôi đó là vết cắt nặng nề nhất, đau tới mức tôi không còn nước mắt để khóc. Tôi nghĩ mỗi lựa chọn đều có giá của nó nên tôi không hối tiếc điều gì cả. Với một người mẹ không có gì hạnh phúc hơn khi có hai con ngoan ngoãn, học giỏi", Ngọc Huyền chia sẻ.
"Hiện 2 con của tôi học song song tiếng Việt và Anh ngữ. Con gái đầu Hà Tiên, 14 tuổi và bé út Hà Nam, 8 tuổi. Các bé đều có năng khiếu nghệ thuật. Hà Tiên hiện là ca sĩ chính trong khối lớp 8. Bé Hà Nam học đàn piano từ lớp 5. Trong các liveshow biểu diễn tại Mỹ, các con thường trợ diễn cho mẹ bằng việc đàn piano. Tôi thấy các con có máu nghệ sĩ giống mẹ và bà nội", nữ nghệ sĩ tự hào khoe những thiên thần nhỏ.
Học cách chấp nhận
Đến nay NSƯT Ngọc Huyền vẫn tha thiết gắn bó với cải lương tuồng cổ và giữ được làn hơi khỏe khoắn, đầy nội lực.
Sau những biến cố thăng trầm, người ta không hề nhìn thấy trên gương mặt Ngọc Huyền sự não nề cùng những giọt nước mắt.
Ngọc Huyền tâm niệm: "Tôi chỉ khóc vì hạnh phúc chứ chưa bao giờ rơi lệ, gạt nước mắt để được theo nghề. Đó là phúc phần Tổ thương, Tổ đãi, nên tôi nghĩ mình cần trân trọng".
Ở tuổi 48, Ngọc Huyền vẫn giữ được nét tươi trẻ và nụ cười thường trực trên môi. Song khi nhắc nhớ lại quá khứ, nữ nghệ sĩ không ít lần nghẹn lời xúc động.
Nàng Phi Giao ngày nào thổn thức: "Nếu tôi không còn hát trên sân khấu hay không còn được khán giả yêu mến thì đó cũng là sự chấp nhận. Song tôi luôn quan niệm hãy sống và yêu nghề bằng cả trái tim, việc gì đến thì sẽ đến".
Minh Anh (tổng hợp)