Ngôi mộ “chung” của hai dòng họ lừng danh khoa bảng

Ngôi mộ “chung” của hai dòng họ lừng danh khoa bảng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Hết tranh chấp khu đất đẹp, hai gia đình chấp nhận cùng táng người thân tại một khu huyệt mộ, đặc biệt hơn đó lại là con rể và bố vợ.

Cho rằng đây là một huyệt mộ có phong thủy đẹp, khi táng người thân xuống đây, con cháu về sau sẽ được vinh hiển, nên hai gia đình tranh giành nhau. Cuối cùng họ đành chấp nhận cùng táng người thân của mình. Điều lạ lùng hơn, hai người may mắn được táng tại huyệt mộ này lại là con rể và bố vợ. Sau này người ta mới biết, ngôi mộ đặc biệt này lại gắn liền hai vị tiên tổ của hai dòng họ lừng danh khoa bảng trong lịch sử Việt Nam.

Xã hội - Ngôi mộ “chung” của hai dòng họ lừng danh khoa bảng

Không gian bên trong của nhà thờ họ Nguyễn tại Canh Hoạch

Nuôi thầy phong thủy một năm để xin nơi đặt huyệt?

Đã gần 600 năm trôi qua cùng với những biến thiên của dòng chảy lịch sử, ngôi mộ đặc biệt này vẫn trường tồn. Trong tâm thức của người dân vùng đất Thai Oanh (Hà Nội), ngôi mộ này là một điểm đến mang tính chất tâm linh, mỗi khi ai gặp khó khăn lại tìm về cầu xin sự phù hộ.

Hiện nay, người dân vùng đất Thanh Oai còn lưu lại một câu chuyện lịch sử kể về “cuộc chiến” giữa người em rể tương lai với anh vợ. Họ tranh nhau một huyệt an táng. Ẩn đằng sau câu chuyện có phần hài hước đó là một sự lý giải thú vị về sự vinh hiển của hai dòng họ khoa bảng lừng danh trong lịch sử. Lần tìm theo lời kể của người dân, chúng tôi tìm về làng Canh Hoạch (Thanh Oai, Hà Nội) để mục sở thị ngôi mộ độc đáo này. Theo sự giới thiệu của các cụ cao niên, chúng tôi cũng tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thắng (68 tuổi, tộc trưởng của dòng họ Nguyễn), người có trách nhiệm chăm sóc và hương khói cho ngôi mộ độc đáo này.

Ông Thắng tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ kỹ bằng nụ cười đôn hậu. Khi biết những vị khách đường xa muốn được tìm hiểu câu chuyện về ngôi mộ tổ của dòng họ mình, ông Thắng tỏ ra rất tự hào, hào hứng chia sẻ với phóng viên báo Người đưa tin. Theo lời người tộc trưởng dòng họ Nguyễn, khu mộ độc đáo này là nơi táng chung của hai vị tiên tổ của hai dòng họ khoa bảng lừng danh. Một là cụ Nguyễn Doãn Toại (vị tiên tổ của dòng họ Nguyễn đất Tiên Điền, Hà Tĩnh), hai là cụ Nguyễn Bá Ký (tiến sĩ của khoa thi Quang Thuận thứ 4 năm 1463. Khoa thi năm đó đỗ đầu là trạng nguyên Lương Thế Vinh). Cụ Nguyễn Bá Ký là vị tiên tổ của họ Nguyễn ở làng Canh Hoạch.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Thắng kể về sự độc đáo của khu mộ. Được biết, ngôi mộ nằm trên mảnh đất có địa thế phong thủy hiếm có. Đây là những những câu chuyện ông Thắng được nghe ông nội của mình kể lại. Thời điểm đó vào năm 1492, khi cụ Nguyễn Đức Lượng (con trai độc nhất của cụ Bá Ký) vừa tròn 28 tuổi thì không may cụ Bá Ký qua đời. Để tìm một vị trí đặt mộ cho cha khi cải táng, cũng hi vọng nhờ địa thế phong thủy đẹp mà con cháu đạt được vinh hiển về sau, cụ Nguyễn Đức Lượng đã khổ công, bỏ tiền của để tìm thầy địa lý về nhà. May mắn cho cụ Lượng đã gặp được thầy phong thủy giỏi có tiếng thời bấy giờ. Tuy nhiên, để được thầy xem đất, cụ Lượng trân trọng đón thầy phong thủy về nhà và tiếp đãi hậu hĩnh hơn một năm trời. Nhận thấy được sự hiếu kính của người con trai dành cho người cha quá cố, thầy phong thủy đã mở lòng giúp ông Lượng tìm mảnh đất tốt đặt mộ. Đồng thời, thầy cũng muốn trả công ông Lượng đã tiếp đãi mình hơn một năm trời.

Sau một thời gian tìm hiểu địa thế, thầy địa lý đã mách cho ông Lượng một nơi có thế phong thủy hiếm có. Thầy khẳng định, nếu đặt mộ ông Nguyễn Bá Ký nơi này thì con cháu về sau sẽ thành đạt mà khó có dòng họ nào sánh bằng. Điều lạ là mảnh đất ấy không phải ở đâu xa mà lại chính là gò đất nằm sát làng. Việc đó khiến ông Lượng mừng khôn xiết. Cả gia đình đợi ngày lành tháng tốt là táng cụ Bá Ký về an nghỉ.

Nhấp một ngụm trà, ông Thắng miêu tả cho chúng tôi về thế phong thủy của khu đất mà thầy địa lý đã mách lại cho cụ Lượng: “Mảnh đất đặt ngôi mộ này là một gò cao nằm ở góc làng Canh Hoạch. Nơi đây mạch chìm, có khe nhỏ theo hướng Mão chảy lại. Về phương Hợi có ba cái gò khe nhỏ quay chầu vào. Lập hướng tại Mão thu nước tại Hợi, phóng nước tại Đinh Mùi”. Thấy chúng tôi không hiểu, ông Thắng bảo, kiểu đất này đặt trên con hỏa tinh khai khẩu rất to, đằng trước có tam kỳ giang làm minh đường, thần bút tẩm thủy, cờ, trống, võng, lọng la liệt ngay trước mặt. Đại khái đó là một thế phong thủy không thể tốt hơn”. Cũng theo ông Thắng, trước khi rời khỏi nhà cụ Lượng, thầy phong thủy còn nói rằng, đất này rất quý nhưng phải đợi ngày tháng tốt mới có thể đặt xác cụ Ký vào huyệt. Thầy ra đi hẹn ngày thích hợp, sẽ trở lại đây tiếp phúc cho gia đình.

Những tưởng chỉ cần đợi đến ngày thầy phong thủy quay lại thì tâm nguyện của cụ Đức Lượng được hoàn thành. Tuy nhiên, không ai ngờ được một việc ngoài dự kiến của hai người xảy ra. Người làm cho tâm nguyện của cụ Lượng thất bại không ai khác là một vị công tử làng bên. Người từng nhiều năm thương thầm nhớ trộm người em gái mình.

Mâu thuẫn cũng vì một chữ tình

Theo lời kể của ông Thắng, người phá hỏng kế hoạch của cụ Lượng chính là công tử con của ông Nguyễn Doãn Địch (thám hoa, khoa thi 1481, đời Lê Thánh Tông) tên là Nguyễn Doãn Toại. Vốn xuất thân từ gia đình quyền quý, lại có học thức nhưng cuộc đời của cụ Doãn Toại lại gặp nhiều bất hạnh. Khi tài năng đến độ chín thì ông không may mắc bệnh phong (bệnh hủi - ở thời điểm bấy giờ, những người không may bị căn bệnh quái ác này sẽ bị mọi người xa lánh).

Trước đó, sống cùng một làng, công tử Doãn Toại đã đem lòng thương thầm nhớ trộm tiểu thư Nguyễn Thị Hiền, em gái của cụ Nguyễn Đức Lượng. Nhưng vì vướng vào căn bệnh quái ác nên công tử Doãn Toại bị gia đình người yêu phản đối. Chính vì vậy, giữa công tử Doãn Toại với tiểu thư Nguyễn Thị Hiền chỉ dám thầm yêu trộm nhớ nhau. Ông Thắng kể tiếp, để tránh sự dị nghị của người thân và láng giềng, công tử Doãn Toại đành một thân một mình ra đồng vắng làm lều nhỏ để sinh sống. Điều bất ngờ, chính chiếc lều mà công tử Doãn Toại dựng lên lại nằm chính ở gò đất mà thầy phong thủy mách ông Lượng đặt huyệt mộ cho cụ Nguyễn Bá Ký. Ngày tháng trôi qua, gần đến ngày mà thầy phong thủy lấy để làm lễ cải táng cho cụ Bá Ký thì công tử Doãn Toại vẫn bình thản ở trong chiếc lều, án giữ khu đất.

Sự việc này khiến cho cụ Nguyễn Đức Lượng vô cùng sốt ruột. Mặc dù đã năm lần bảy lượt năm nỉ Doãn Toại dời đi nhưng vị công tử này vẫn cố tình ở lại giữ đất. Ngày đặt mộ đã đến gần nhưng công tử Doãn Toại vẫn trơ trơ như không có chuyện gì xảy ra. Hôm giáp ngày đặt mộ cha, cụ Nguyễn Đức Lượng một lần nữa ra lều của công tử Doãn Toại tìm cách nói ngon ngọt để thuyết phục. Cuối cùng vị công tử này cũng lộ ra ý định vốn dấu kín trong lòng mình từ lâu. Doãn Toại nói với cụ Lượng: “Việc này giải quyết cũng dễ thôi. Các ông và tôi đều là con nhà khoa bảng, môn đăng hộ đối. Tôi vốn từng đem lòng cảm mến người em gái của ông, muốn cho hai gia nhà kết làm thông gia. Tuy nhiên, vì bệnh tật mà không thành. Giờ đây chỉ muốn được gặp người em gái của ông. Tôi muốn hai người cùng trò chuyện với nhau một đêm. Sáng hôm sau tôi sẽ lập tức chuyển đi để tiện việc mong ước của ông”.

Khi nghe được ý định của ông tử Doãn Toại, cụ Nguyễn Đức Lượng hết sức bực tức. Về nhà cụ đem chuyện này than thở với thầy phong thủy. Người thầy trăn trở một hồi rồi nói rằng, gò đất đó rất quý. Nếu là nơi an nghỉ của gia tiền thì sau này con cháu văn chiếm khôi nguyên, võ chiếm tướng mạc, thiên hạ ít ai bì được. Nếu bị bỏ phí thì sau này hối lại không kịp. Ông Thắng nhìn chúng tôi cười bảo, không ngờ, cuộc trò chuyện giữa hai người lại bị bà Nguyễn Thị Hiền nghe được. Sau một hồi suy nghĩ đắn đo, vốn cũng có cảm tình với công tử Doãn Toại từ trước, người em gái đã quyết định ra gặp thầy phong thủy và anh trai mạnh dạn bảo rằng, đây là việc trọng đại của gia đình. Vì theo thầy, đất ấy tốt, yên được hài cốt cha, lại mang đến sự thành đạt hiển vinh cho anh và con cháu về sau, chỉ đổi bằng một đêm nói chuyện đâu có xá gì. Tiểu thư Nguyễn Thị Hiền tình nguyện làm việc này để đáp lại công sinh thành dưỡng dục.

Nói là làm, ngay đêm hôm đó một mình cô tiểu thư này đội nón, xách đèn băng trong đêm tối mưu phùn gió bấc đến lều tranh chuyện trò cùng công tử Doãn Toại. Vốn đã tình ý với nhau từ lâu, lại chứng kiến cảnh ngộ bất hạnh của công tử Doãn Toại, cô đã trao thân cho vị công tử này. Theo ông Thắng, đêm hôm đó điều không may đã xảy ra. Công tử Doãn Toại đột nhiên quy tiên. Sau này người ta bảo đó là “mệnh trời”.

Phát hiện ra vị công tử này chết, tiểu thư Nguyễn thị Hiền vội đẩy xác công tử Doãn Toại ra và một mình băng đêm chạy về báo cho anh trai biết. Cụ Đức Lượng nghe tin như sét đánh bên tai, vội báo cho quan và gia đình phía Doãn Toại. Cụ Lượng có nguyện vọng muốn đem xác công tử Doãn Toại an táng một nơi khác. Tuy nhiên, theo ông Thắng, sáng mai ra, khi mọi người chạy ra thì xác của công tử Doãn Toại đã bị mối đùn lấp chỉ còn nổi lên hai chân. Gia đình công tử Doãn Toại cho rằng, đây là thiên táng nên không thể di chuyển được. Họ mong cụ Đức Lượng thông cảm.

Trinh Phúc


Tag: khoa thi