Sao mạng Arisara Karbdecho qua đời ở tuổi 27 vào hôm 6/6, sau 3 tháng nằm trong bệnh viện, theo Asia One.
Theo Zing, hồi tháng 3, Arisara nhập viện cấp cứu sau khi ăn món moo ping (thịt lợn xiên nướng Thái Lan) với gạo nếp. Thức ăn mắc kẹt ở họng khiến cô khó thở, ngã quỵ ở nhà.
Khi đưa đến bệnh viện các bác sĩ cho biết tình trạng đã quá muộn, não của Arisara bị thiếu oxy nặng. Cô gái 27 tuổi rơi vào trạng thái sống thực vật sau đó.
Chia sẻ trước báo giới Thái Lan mẹ của Arisara cho biết con gái mình luôn bận rộn làm việc và không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, kể cả cho việc ăn uống hàng ngày. Vào ngày xảy ra vụ việc, Arisara đã ăn một cách vội vàng, dẫn đến món ăn mắc vào khí quản.
Arisara, người được biết đến trên mạng với cái tên Alicebambam, là thế hệ hot girl mạng đời đầu của Thái Lan. Năm 2016, cô nổi tiếng sau khi chụp những tấm ảnh cosplay theo phong cách gợi cảm và từng được xếp vào top 10 chủ đề về người đẹp hot nhất nước này.
Cái chết của ngôi sao xinh đẹp Arisara khiến bạn bè cùng người hâm mộ trong nước và thế giới bàng hoàng. Họ bày tỏ sự tiếc thương đến hot girl xấu số.
Trước đó cũng có một ngôi sao thể hình tử vong do nghẹn thức ăn. Theo thông tin đăng tải trên Vnexpress, ngôi sao thể hình Dallas McCarver (Mỹ) ở nhà một mình và bị nghẹn thức ăn rồi qua đời.
Dallas McCarver, ngôi sao thể hình xếp hạng 10 trong cuộc thi Mr. Olympia mới đây đã tử vong do nghẹn thức ăn. Theo TMZ, Dallas được phát hiện bất tỉnh ở nhà rồi qua đời tại bệnh viện. Chỉ trước đó vài tiếng, anh còn đăng tải video tập luyện lên trang cá nhân.
Cách xử trí khi bị sặc, hóc thức ăn
Hóc, nghẹn thức ăn có thể trở nên rất nguy hiểm thậm chí gây tử vong, đặc biệt khi bạn ở một mình. Trên thực tế, nếu không lấy được thức ăn bị hóc ra trong vòng 4-6 phút, não sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. 10 phút trôi qua, nguy cơ chết não không thể đảo ngược là rất lớn.
Nếu biết cách tự sơ cứu, các rủi ro trên sẽ không xảy đến. Dưới đây là hướng dẫn xử lý khi nghẹn thức ăn mà chỉ có một mình do bác sĩ Richard Bradley từ Đại học Y McGovern đưa ra.
Đầu tiên, xem bạn phát ra âm thanh được không. Nếu có, đường thở vẫn chưa bị chặn hoàn toàn nên bạn hãy ho thật mạnh như khạc đờm để thức ăn bật ra.
Trường hợp không thể phát ra âm thanh, bạn dùng đến lực đẩy. Nắm bàn tay đặt giữa rốn và xương sườn. Đặt tay còn lại lên trên rồi ấn thật mạnh, nhanh, dứt khoát. Điều này gây áp lực lên cơ hoàng, đưa không khí lên để đẩy thức ăn ra ngoài.
Nếu vẫn bị hóc, giữ tay ở nguyên vị trí giữa rốn và xương sườn nhưng ngồi dựa vào ghế để có nhiều lực hơn. Sau 5-6 lần không thành công, bạn hãy gọi cấp cứu. Ưu tiên sử dụng điện thoại cố định để đội ngũ cứu hộ dễ dàng xác định vị trí kể cả khi bạn không thể nói.
Trúc Chi (t/h)