Người bảo mẫu từ chối bảng vàng vua trao

Người bảo mẫu từ chối bảng vàng vua trao

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
"Khai sinh" ra nhà trẻ đầu tiên ở Việt Nam nhưng bà vẫn từ chối bảng vàng vua trao.

Mười tám tuổi, rơi vào cảnh góa phụ, một mình nuôi mẹ chồng, hai em nhỏ, 2 người cháu, cụ Hoàng Thị Uyển hay còn gọi là bà cả Mọc có cuộc đời vô cùng chìm nổi. Song, tấm lòng nhân ái của cụ với những đứa trẻ thì không gì sánh bằng. 30 tuổi, cụ lập nhà Tế Sinh - nơi dạy trẻ mẫu giáo đầu tiên ở Việt Nam, để rồi cũng là người duy nhất "dám" từ chối bảng vàng do vua Bảo Đại trao tặng.

Sự kiện - Người bảo mẫu từ chối bảng vàng vua trao

Cả đời cụ cả Mọc làm việc thiện cứu người

Mẹ của trẻ mồ côi

Sinh ra trong một gia đình khoa cử, cha là cụ Hoàng Đạo Phương, người từng làm tri phủ, sau đó từ quan tham gia phong trào Duy Tân, nhưng cụ Hoàng Thị Uyển (1870 - 1947) lại vất vả từ nhỏ (phụng dưỡng bố, nuôi hai 2 em trai và 2 người cháu mồ côi). Năm 17 tuổi, cụ xuất giá. Chồng là Nguyễn Hữu Vị, người làng Nhân Mục, tục gọi là làng Mọc (tỉnh Hà Đông cũ). Vì thế cụ thường được gọi là bà cả Mọc.

Một năm sau ngày cưới, chồng mất. Mẹ chồng cứ nghĩ rằng cụ sẽ tái giá nên tiền và vốn của gia đình, mẹ chồng đem góp chung với người ngoài để buôn bán. Công việc kinh doanh không xuôi chèo mát mái, mẹ chồng rơi vào cảnh trắng tay. Còn cụ Mọc thì không tái giá. Thế là gánh nặng bên nội, bên ngoại đè nặng lên vai một người phụ nữ mới vừa bước sang 18 tuổi. Cụ bươn chải, thuê lại một gian hàng trên phố để buôn bán vải. Vậy là, cứ sáng sáng, cụ đi bộ từ làng Mọc lên hàng Đào buôn bán rồi chiều lại đi bộ về nhà chăm sóc mẹ chồng.

Cuộc sống vất vả, làm ăn còn khó khăn nhưng chỉ cần nghe tin ở đâu có lũ, có người đói là cụ không yên lòng. Năm 1923, Nam Định, Thái Bình bị vỡ đê, ruộng vườn, nhà cửa bị giặc nước hành, người đói nằm la liệt trên đường. Xót thương đồng bào, cụ lấy tiền nhà ủng hộ. Ngoài ra, cụ còn đi quyên chị em, bạn hữu và bà con buôn bán ủng hộ người đói. Gặp một em bé bị bỏ rơi bên đường, cụ bế về nuôi và quý như con đặt tên là Hoàng Văn Tiếp (sau này là nhà báo Tế Xuyên).

Bà Hoàng Thị Hương Liên (cháu gái cụ cả Mọc) chia sẻ: "Dù buôn bán, có tiền đi làm việc thiện nhưng cụ sống rất cần kiệm. Món ăn thường ngày là cơm gạo đỏ, đậu, rau muống. Quần áo cụ mặc cũng là loại vải nâu ít tiền. Cụ chỉ tâm niệm một điều là phù trì xã hội và cứu nhân độ thế. Ngoài 30 tuổi, cụ khá giả và mở cửa hàng buôn bán vải mang tên Nghĩa Lợi".

Mẹ chồng cụ mộ đạo Phật, đi tu tại chùa Thạch Sam, làng Bạch Sam (tỉnh Hà Đông cũ). Thấy chùa đổ nát, cụ cả Mọc góp tiền xây lại ngôi chùa. Một mình cụ nuôi em trai là Hoàng Đạo Thúy đến lúc trưởng thành. Sau năm 1930, cụ giao việc buôn bán cho cháu và đứng ra sáng lập hội Tế Sinh để trông nom, dạy học cho những đứa trẻ nghèo.

Sự kiện - Người bảo mẫu từ chối bảng vàng vua trao (Hình 2).

Bà Hoàng Thị Hương Liên (cháu gái cụ cả Mọc) chia sẻ câu chuyện về người cô

Từ chối bảng vàng vua trao

Hàng ngày, cụ chứng kiến con cái những người nghèo khổ lang thang trên phố, không có cơm ăn nên đã vận động chị em buôn bán "gom" lũ trẻ lại, cho ăn bữa trưa. Thấy thế, nhiều người đã mang trẻ ốm yếu, trẻ bị bỏ rơi đến chỗ cụ, vì nghĩ đó là nơi làm phúc.

Sau này, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh và nhiều nhà báo khác viết về mục đích của nhà Tế Sinh nên người ta hiểu đó là lớp học, tương đương như lớp mẫu giáo bây giờ chứ không phải là trại trẻ mồ côi. Những người làm thuê, nhà nghèo có con nhỏ không có người trông đã mang con đến gửi, chiều họ đón con về. Không chỉ tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, nhà Tế Sinh còn nuôi ăn mà không thu tiền. Có người bận theo chủ đi xa nhiều ngày, nhà Tế Sinh nhận trông coi và cho ăn uống đầy đủ. Không chỉ giữ trẻ, nuôi trẻ ăn, nhà Tế Sinh còn dạy cho các em lớn tuổi cách đan lát, thêu thùa. Căn phòng được các họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, Ngô Bích San trang trí bằng những hình ảnh tiên nữ, hoa lá bắt mắt làm cho những đứa trẻ rất thích thú.

Ngày ấy, nhiều người Pháp ở tòa Đốc lý đến thăm và họ không ngờ "An Nam" lại có nhà trẻ đầy tính nhân ái như thế. Vì mô hình này ở châu Âu thời điểm đó cũng rất ít. Trong chuyến công du Bắc Hà, vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu đã đến thăm hội Tế Sinh. Hôm đó, cụ cử bác sỹ Trần Văn Lai (phó Hội) tiếp vua, còn cụ vẫn bán hàng. Khi Bảo Đại sai người đến gọi thì cụ mới đến. Vua Bảo Đại hỏi, cụ nói đó là việc làm bình thường khiến ông vua chỉ ham chơi thán phục. Về Huế, vua Bảo Đại ban cho cụ bảng vàng với hai chữ Tiết nghĩa nhưng cụ từ chối không nhận. Ngự tiền văn phòng lúng túng không biết tâu thế nào vì chưa có ai từ chối những thứ vua ban.

Từ chối bảng vàng vua ban, nhưng khi một phụ nữ ở Vinh (Nghệ An) tặng bức hoành phi "Gia đình theo Phật" thì cụ nhận. Bà Liên chia sẻ: "Năm Nhâm ngọ (1942) cụ bị xe quân đội Nhật Bản đè lên một bàn chân khiến phải nằm bệnh viện khá lâu. Kết quả cụ phải cưa nửa bàn chân. Khi bình phục cụ chia sẻ với con cháu là người lái xe đã nhanh tay hãm phanh. Nếu chậm một chút thì xe đã đè lên toàn thân cụ. Cụ vẫn hay kể cho con cháu rằng khi cụ xin bút Thánh, Thánh dạy "nên làm phúc cho nhiều...". Sau tai nạn, cụ chỉ sống được thêm 5 năm nhưng thực sự cụ là minh chứng cho câu "đức năng thắng số".

Năm 1946, tại Bắc Bộ Phủ, Hồ Chủ Tịch đã tiếp cụ Mọc và 3 người con gái khác nhà họ Hoàng (vợ ông Trịnh Văn Bô, vợ ông Phạm Lê Bổng, vợ thứ trưởng bộ Tài Chính Trịnh Văn Bính). Bác khen ngợi tấm lòng nhân ái, giúp đỡ người nghèo của 4 người con gái họ Hoàng. Cảm kích trước những lời khen ngợi, cụ thưa với Chủ tịch Hồ Chí Minh những việc làm đó không có gì to tát so với nhiều người Hà Nội lúc đó đóng góp hàng trăm lượng vàng cứu đói. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ đưa các cháu ở nhà Tế Sinh đi sơ tán và mất năm 1947.

Ra đi thanh thản

Bà Hoàng Thị Liên cho biết: "Tháng 7/1947, cụ cả Mọc mất tại tổng Phúc Yên (nay là Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội). Khi đó các con cháu cũng không ở bên cụ vì đều đi theo kháng chiến lên Việt Bắc. Những người được ở bên lúc cụ chuẩn bị sang cõi lạc có kể lại với con cháu rằng, khi cụ tắt thở, căn phòng chợt rực sáng. Dù cụ không có con nhưng rất rất nhiều đứa trẻ do cụ nuôi nấng vẫn luôn coi cụ cả Mọc là người mẹ trong đời".

Đỗ Thơm