Liên quan đến sự việc người dân quanh khu vực Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn lại căng lều bạt chặn xe rác qua từ ngày 13/7, sau 4 ngày vận động, tuyên truyền, sự việc đã được cơ bản giải quyết.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Mạc - Bí Thư xã Nam Sơn cho biết, hiện tại, người dân 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn đã di dời khỏi điểm chốt chặn ra vào bãi rác Nam Sơn.
"Để tránh tình trạng các hộ dân tiếp tục tổ chức chặn xe rác, chính quyền địa phương mong muốn thành phố có chính sách bồi thường, hỗ trợ các phương án giải phóng mặt bằng và tiền đền bù hợp lý cho người dân sống trong vùng ảnh hưởng", ông Mạc nói.
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng xác nhận thông tin trên. Theo ông Tiến, ngay sau đó, đã có những xe chở rác của công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội vận chuyển rác đến Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Sau khi thông xe vào bãi rác, hoạt động vận chuyển rác trong nội đô lại diễn ra như bình thường.
Được biết, sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã trực tiếp về đối thoại với người dân. Buổi đối thoại có ông Đào Đức Toàn - Phó Bí thư thành ủy Hà Nội; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cùng các sở, ban, ngành TP.Hà Nội cùng lãnh đạo 3 xã (Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ) đã về tiếp xúc với người dân tại Hội trường UBND huyện Sóc Sơn.
Theo đó, lãnh đạo TP.Hà Nội đã trả lời trực tiếp người dân về chính sách di dời trong chỉ giới 0m - 500m tính từ phạm vi tường rào của Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, thời điểm và mức đền bù.
Sau khi lắng nghe những cam kết của lãnh đạo thành phố, người dân xã Nam Sơn, xã Hồng Kỳ đã dỡ lán, rút khỏi bãi rác Nam Sơn và xe chở rác trở lại hoạt động bình thường.
Cũng trong sáng nay, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau Kỳ họp thứ XV của HĐND TP.Hà Nội khóa XV, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm rõ vấn đề tình trạng tồn đọng rác thải tại một số quận ở khu vực nội thành, cử tri Đào Tuyết Thanh (phường Hàng Trống) nêu câu hỏi về những giải pháp trước mắt của thành phố để giải phóng lượng rác thải đã ùn ứ nhiều ngày qua.
Trả lời cử tri, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, về giải pháp lâu dài, thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các nhà máy xử lý rác.
Năm 2017, nhà máy xử lý rác thải độc hại ở khu vực Nam Sơn được hoàn thành, sử dụng công nghệ đốt và phát điện với công suất 75 tấn/ngày. Hiện ở khu Nam Sơn có 3 nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà máy đốt rác phát điện nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tiến độ bị chậm lại.
Trong năm 2020 một dự án sẽ được hoàn thành với công suất 4.000 tấn rác/ngày đêm, được xử lý theo công nghệ của Bỉ. Đến quý 1/2022, thành phố dự kiến khánh thành thêm một nhà máy đốt rác phát điện với công suất 1.500 tấn/ngày đêm. Lúc đó thì cơ bản lượng rác thải của thành phố sẽ được đốt để phát điện.
Theo ông Chung, hiện thành phố đã chuẩn bị xong các khu nhà tái định cư để di dân khỏi vùng bị ảnh hưởng từ khu xử lý rác Nam Sơn. Vướng mắc căn bản nhất hiện nay là việc xác định nguồn gốc đất để đền bù. Trong thời gian qua có những giai đoạn việc chuẩn bị đền bù chưa được thực hiện đúng dẫn đến người dân hiểu lầm, bức xúc.
Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, thành phố luôn đồng cảm với bà con sống xung quanh bãi rác. Do vậy, những chính sách tốt nhất cho người dân đã được thành phố áp dụng. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật thì cần có thời gian để xử lý.
Ngoài ra, việc xử lý khoảng 150.000 m3 nước rỉ rác do áp dụng công nghệ chôn lấp rác thải tử nhiều năm trước, cộng thêm thời tiết nắng nóng gây bốc mùi nên đời sống người dân bị ảnh hưởng. Thành phố đang đề xuất với Chính phủ cho cơ chế phù hợp để khắc phục ngay hạn chế này (theo quy định hiện hành, khâu xử lý nước rỉ rác phải đưa ra đấu thầu).
Một số hình ảnh sau khi bãi rác Nam Sơn được thông xe:
Lê Liên - Thành Nam